Tiếng Việt | English

17/12/2016 - 16:45

Xông người như thế nào cho đúng?

Vỏ cam, chanh, bưởi, cây xả, tía tô, kinh giới… đều là những loại cây cỏ dùng để nấu nước xông người, có lợi cho sức khỏe.

 

Một nồi nước xông của chị Nga gồm vỏ bưởi, củ sả đập dập, tía tô và rau kinh giới - Ảnh: Lê Đinh

Chị Đinh Thị Nga (45 tuổi, Q.10, TP.HCM) cho biết mỗi khi vắt cam, chanh xong chị cất vỏ. Mỗi tuần, chị đun nước xông người một lần, không nhất thiết là phải bị cảm mới xông. Vỏ bưởi nhiều nên chị phơi khô rồi dùng một nửa, để dành một nửa cho lần sau.

Sau khi rửa sạch, chị Nga dùng dao khứa các đường nhỏ trên vỏ cam, chanh hoặc bưởi để tinh dầu dễ dàng tiết ra rồi cho tất cả vào nồi nước đun sôi.

“Một nồi nước xông của tôi thì thường có ít nhất một trong 3 loại vỏ quả để có tinh dầu và sả, tía tô hoặc kinh giới. Như vậy cũng đủ thơm và tốt cho cơ thể rồi”, chị Nga chia sẻ.

“Sau mỗi lần xông xong như vậy, tôi cảm thấy người nhẹ nhõm, sảng khoái và ngủ sâu, ăn ngon miệng và không còn đau đầu. Hơn nữa, thay vì dùng tinh dầu mà không rõ nguồn gốc, các nguyên liệu tự nhiên như vậy giúp tôi yên tâm hơn nhiều mà còn tránh lãng phí”, chị Nga cho biết.

Sau khi xông người, nước xông còn được sử dụng để làm nước gội đầu, nước tắm. Mùi thơm của vỏ quả và xả lưu lại trên tóc và cơ thể rất dịu nhẹ, tạo cảm giác sảng khoái, tự nhiên. Sau một thời gian, chị Nga cho biết tóc trở nên mướt hơn, bóng, bớt gãy rụng và luôn có mùi thơm dịu nhẹ.

Tinh dầu bưởi có chứa xitrala và este là 2 chất có tác dụng chăm sóc, nuôi dưỡng tóc từ gốc. Lưu ý, khi xả tóc với nước bưởi, dùng phần thịt ở đầu ngón tay mát xa nhẹ lên da đầu để tinh dầu thấm sâu vào chân tóc, ngăn chặn rụng tóc, kích thích tóc mọc nhanh, bóng mượt và giảm bớt gàu.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, ủy viên ban chấp hành Hội Dược liệu TP.HCM, cho biết vỏ cam, chanh, bưởi có tác dụng tiêu đàm, kích thích tiêu hóa, giáng khí, thư giãn tinh thần, kích thích tuần hoàn máu. Bên cạnh đó, sả có tác dụng kích thích tiêu hóa, chữa trị ăn uống chậm tiêu, tía tô, kinh giới…dùng để giải cảm uống bên trong hoặc xông ngoài.

Ngoài ra, việc kết hợp xông da mặt bằng vỏ cam, chanh hoặc bưởi kết hợp với sả và tía tô sẽ giúp tuần hoàn máu, cho da dẻ hồng hào, sạch bã nhờn, se khít lỗ chân lông, giảm mụn và hỗ trợ làm trắng da. Sau khi xông, da mặt nên được rửa với nước mát để làm khít lại lỗ chân lông.

Thay vì đi spa hay các thẩm mĩ viện, giờ đây, mỗi tuần chị Nga cũng có thể tự làm cho mình một buổi xông hơi mà chi phí có khi chỉ mất vài ngàn đồng mua thêm củ sả hoặc một ít rau.

Xông người như thế nào cho đúng?

Khi xông, bạn nên ở trong một phòng thật kín gió để tránh việc sau khi vã mồ hôi có thể bị cảm lạnh.

Thời gian xông khoảng từ 15 đến 20 phút tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Khi mới bắt đầu, bạn nên mở hé vung từng chút một để tránh việc quá nóng có thể làm phổng hoặc rát da.

Sau khi xông xong, tránh tiếp xúc với gió quạt hoặc gió trời. Dùng khăn bông lau khô người và ngồi nghỉ ở nơi kín gió khoảng 10 phút rồi mới tắm lại với nước ấm.

Những người có tiền sử bị suyễn, phụ nữ có thai, người già, trẻ con, người có bệnh ngoài da… thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi xông. 

Lê Đinh/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết