Nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống
Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều cuộc tư vấn, sinh hoạt chuyên đề về các chương trình đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2023, toàn tỉnh Long An đưa 705 người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài (trong đó, thị trường Nhật Bản 565 người, thị trường Đài Loan 73 người,...).
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Long An cũng triển khai các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ vay vốn cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Được biết, năm 2023, Ngân hàng tiếp nhận và giải ngân vốn cho 51 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Đào (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) hiện sinh sống và làm việc tại tỉnh Oyakawa (Nhật Bản) để có cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình
Chị Nguyễn Thị Hồng Đào (SN 1995, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành), hiện sinh sống và làm việc tại tỉnh Oyakawa (Nhật Bản). Mẹ mất từ khi chị còn nhỏ. Chị sớm lập gia đình nhưng cuộc hôn nhân cũng không như mong muốn. Năm 2022, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế gặp nhiều khó khăn nên chị quyết tâm sang Nhật Bản làm việc để cải thiện cuộc sống.
Chị Đào chia sẻ: “May mắn tôi được địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đi học tiếng Nhật. Ban đầu, gia đình không ủng hộ nhưng tôi vẫn kiên quyết. Khi đó, trong tôi chỉ có suy nghĩ muốn nâng cao thu nhập để gia đình có cuộc sống tốt hơn và để bản thân tự đứng lên sau lần vấp ngã về hôn nhân. Dần dần, gia đình tôi chấp nhận”.
Ở Nhật Bản, phần lớn thời gian chị đi làm và tự trau dồi thêm ngôn ngữ. Vào những ngày nghỉ, chị dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và gọi điện thoại về gia đình. Ở chung với nhiều người Việt khác nên chị cũng thường xuyên cùng mọi người đi tàu điện đến trung tâm thành phố, đến những quán ăn người Việt để “tìm lại hương vị quê nhà”.
Chị Đào chia sẻ thêm: “Hiện tại, tôi có bằng N4 sơ cấp, đang phấn đấu trong tháng 6 thi lấy thêm bằng N3, tôi muốn đạt chứng chỉ cao nhất là N1 để có thể sống thêm ở Nhật vài năm nữa để khi trở về Việt Nam sẽ có công việc tốt với mức lương cao lo cho gia đình một cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
"Hãy tạo cho mình một vốn tiếng Nhật và một suy nghĩ tích cực để vượt qua giới hạn của bản thân và chấp nhận đương đầu với khó khăn. Ai cũng có thể đi Nhật trong độ tuổi được cho phép nhưng một khi đã chấp nhận đi là phải chấp nhận phấn đấu để bản thân tốt hơn" - chị Đào nhắn gửi.
Xu hướng của nhiều người trẻ
Là một biên - phiên dịch và hỗ trợ thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản của một công ty tại tỉnh Miyagi (Nhật Bản), chị Nguyễn Thị Út Nghi chia sẻ: “Đồng hành với rất nhiều người Việt, tôi nhận thấy giới trẻ ngày càng ưa chuộng đi làm việc tại Nhật Bản.
Hiện nay, có nhiều chương trình hỗ trợ LĐ Việt Nam sang Nhật Bản đã và đang được triển khai. Tuy nhiên, để có được thành công, đòi hỏi các bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về ngôn ngữ, kiến thức và kỹ năng”.
Anh Phạm Nhựt Huỳnh (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, bìa trái) hiện sinh sống và làm việc tại tỉnh Nagoya (Nhật Bản), thường xuyên tham gia các hoạt động cùng những người bạn Việt Nam
Anh Phạm Nhựt Huỳnh (SN 1997, ngụ huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), hiện sinh sống và làm việc tại tỉnh Nagoya (Nhật Bản). Chính niềm đam mê với động cơ ôtô đã thúc đẩy anh đến xứ sở hoa anh đào. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết tâm tham gia khóa học đào tạo tiếng Nhật và kỹ năng chuyên môn. Nhờ nỗ lực không ngừng, anh xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển dụng và bắt đầu hành trình mới tại Tập đoàn Mitsubishi với vai trò thực tập sinh.
Anh Huỳnh bộc bạch: “Rào cản ngôn ngữ là khó khăn nhất của tôi trong thời gian đầu. Ngày làm việc tại công ty bắt đầu từ 8 giờ với việc điểm danh, tập thể dục, kiểm tra máy móc. Sau đó là công việc chính với việc lắp ráp và kiểm tra khung gầm động cơ ôtô. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao độ, luôn đặt an toàn của khách hàng lên hàng đầu”.
Sau giờ làm việc, anh Huỳnh dành thời gian gọi điện thoại về cho gia đình, bạn bè, tham gia các hoạt động cùng những người bạn Việt Nam. Vào cuối tuần, anh thường đi du lịch, khám phá những địa danh mới và trải nghiệm văn hóa Nhật Bản để giải tỏa căng thẳng.
Anh Huỳnh tâm sự: “Năm nay là năm thứ 7 tôi đến Nhật, tôi đã tích lũy được nhiều kỹ năng và một số vốn để gửi về hỗ trợ gia đình sửa chữa nhà cửa. Để có thể hòa nhập vào môi trường làm việc, điều quan trọng nhất là chúng ta nên học tốt tiếng Nhật và tìm hiểu thêm về văn hóa của nước bạn trước khi quyết định sang làm việc”. Được biết, sau khi hoàn thành hợp đồng tại Nhật Bản, anh Huỳnh sẽ trở về Việt Nam và mở cửa hàng cung cấp linh kiện ôtô.
Đi làm việc tại nước ngoài được xem là cơ hội cho nhiều người trẻ hiện nay. Tuy nhiên, để có được thành công, đòi hỏi mỗi cá nhân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về ngôn ngữ, kiến thức, kỹ năng và "tinh thần thép" để đương đầu với khó khăn. Tin rằng sẽ ngày càng có nhiều người trẻ thành công trên đất nước bạn và góp phần mang lại những giá trị tích cực cho bản thân, gia đình và quê hương./.
Khánh Duy