Tiếng Việt | English

06/08/2021 - 10:54

Xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh, không để phát tán, lây lan

Trước tình hình dịch Covid-19, UBND tỉnh Long An chỉ đạo sở, ban, ngành liên quan, nhất là ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp chặt chẽ các địa phương nhằm quản lý việc xử lý chất thải, vệ sinh môi trường ở cơ sở điều trị, khu cách ly, cách ly tại nhà, nơi lưu trú và khu vực phong tỏa,...

Xử lý chất thải liên quan đến Covid-19

Xử lý chất thải liên quan đến Covid-19

Hiện nay, số lượng các cơ sở điều trị, khu vực cách ly, nơi lưu trú và phong tỏa,… có liên quan đến Covid-19 trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều. Theo đó, lượng chất thải phát sinh tại những nơi này cũng khá lớn. Đây là chất thải thuộc dạng lây nhiễm nên phải được xử lý triệt để theo đúng quy định, tránh tình trạng ùn ứ làm phát tán dịch bệnh.

Tỉnh cũng ban hành kế hoạch và chỉ đạo cụ thể từng sở, ban, ngành phối hợp các địa phương tổ chức quản lý, xử lý chất thải và vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Hòa - Phan Văn Tâm, Phòng đã tham mưu UBND huyện kế hoạch và giải pháp quản lý, thu gom, xử lý chất thải phát sinh từ các cơ sở điều trị, khu cách ly, phong tỏa... Trong thời gian lò đốt rác thải y tế chưa vận hành chính thức thì Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Hậu Nghĩa thu gom chất thải rắn lây nhiễm tại các cơ sở điều trị, khu trung chuyển bệnh nhân Covid-19, khu cách ly tập trung, khu cách ly tại nhà, nơi lưu trú và khu vực phong tỏa,... trên địa bàn huyện Đức Hòa và huyện Đức Huệ, tập kết tại BV để đơn vị do Sở TN&MT thuê đến thu gom, vận chuyển, xử lý.

Cụ thể, đối với chất thải rắn lây nhiễm phát sinh, ban giám đốc/ban điều hành cơ sở điều trị, khu cách ly tập trung,... chủ động thông báo cho BVĐK khu vực Hậu Nghĩa đến thu gom. Đối với chất thải rắn lây nhiễm phát sinh tại khu cách ly tại nhà, nơi lưu trú và khu vực phong tỏa, UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm cấp túi đựng, hướng dẫn người dân thu gom, cho vào túi đựng chất thải có nguy cơ. UBND các xã, thị trấn chủ động liên hệ BVĐK khu vực Hậu Nghĩa để thông báo cụ thể thời gian, địa điểm thu gom, bảo đảm không để xảy ra ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh.

Trong thời gian vận hành chính thức lò đốt rác thải y tế (khi lò đốt rác đi vào vận hành chính thức, UBND huyện thông báo đến ban giám đốc/ban điều hành cơ sở điều trị, khu cách ly tập trung, Trung tâm Y tế huyện, UBND các xã, thị trấn để triển khai, thực hiện), BVĐK khu vực Hậu Nghĩa tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn lây nhiễm phát sinh từ các cơ sở điều trị, khu trung chuyển bệnh nhân Covid-19, khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú và khu vực phong tỏa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn huyện Đức Hòa và huyện Đức Huệ.

Xử lý chất thải liên quan đến Covid-19

Tương tự, TP.Tân An cũng triển khai kế hoạch và các giải pháp thu gom, vận chuyển chất thải rắn tại các BV dã chiến, các khu cách ly tập trung và khu vực phong tỏa tạm thời trong phòng, chống dịch bệnh. Theo thông tin từ UBND TP.Tân An, chất thải phát sinh trong các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú và khu vực phong tỏa phải được phun khử khuẩn trước khi vận chuyển. Tất cả chất thải rắn phát sinh tại các khu vực trên sẽ được thu gom, vận chuyển về xử lý tại BVĐK Long An (lò đốt 1,5 tấn/ngày và lò vi sóng 300kg/ngày).

TP.Tân An chia lịch trình cụ thể, trong đó thu gom chất thải rắn tại các khu cách ly tại nhà, nơi lưu trú và khu vực phong tỏa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền vào thứ hai, tư, sáu; thu gom chất thải rắn tại cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 (bệnh viện dã chiến) và các khu cách ly tập trung vào thứ ba, năm, bảy.

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: UBND tỉnh ban hành kế hoạch quản lý chất thải và vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị phối hợp thực hiện. Các chất thải dạng này sẽ được xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại, tránh lây nhiễm và phát tán. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 địa điểm xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó, thị xã Kiến Tường (lò đốt 1,5 tấn/ngày và lò vi sóng 300kg/ngày) xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn thị xã Kiến Tường và huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng. Huyện Thạnh Hóa (lò đốt 1,5 tấn/ngày) xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn huyện Thạnh Hóa và Tân Thạnh. Huyện Đức Hòa (lò đốt 1,5 tấn/ngày và lò vi sóng 200kg/ngày) xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn huyện Đức Hòa và Đức Huệ.

Huyện Bến Lức (lò đốt rác 1,5 tấn/ngày và lò đốt 1 tấn/ngày) xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn huyện Bến Lức, Tân Trụ và Thủ Thừa. Huyện Cần Giuộc (lò đốt 1,5 tấn/ngày và lò vi sóng 300kg/ngày) xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn huyện Cần Giuộc và Cần Đước. Huyện Mộc Hóa (lò đốt 1 tấn/ngày) xử lý chất thải phát sinh tại huyện. BVĐK Long An (lò đốt 1,5 tấn/ngày và lò vi sóng 300kg/ngày) xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn TP.Tân An và huyện Châu Thành. Sở phối hợp một số sở, ngành làm việc với các địa phương hướng dẫn về cách xử lý chất thải loại này. Trước khi vận chuyển về vị trí xử lý, tất cả chất thải phát sinh sẽ được phun khử khuẩn./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết