Người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên nhằm phòng, chống dịch Covid-19
Theo đó, cần tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch với mức độ cảnh giác cao nhất, không được chủ quan, lơ là, gắn trách nhiệm với địa phương, đơn vị trong triển khai phòng chống dịch. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại khu vực biên giới đường bộ, đường biển, khu vực cửa khẩu, rà soát các trường hợp đi về từ nước ngoài, ngăn chặn nhập cảnh trái phép, đề nghị xử lý nghiêm và thực hiện cách ly theo quy định.
Giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện cách ly tại các khu vực được chỉ định làm khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú; không để những người không có trách nhiệm vào các khu cách ly và yêu cầu người được cách ly thực hiện đúng các quy định, thường xuyên đeo khẩu trang và không được tiếp xúc gần với người xung quanh để tránh lây lan. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú; đánh giá và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm làm dịch Covid-19 xâm nhập và lây nhiễm cộng đồng.
Trước đó, ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ cũng có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, sau một thời gian khá dài chưa có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng nên không ít nơi trong nước đã xuất hiện tình trạng chủ quan, lơi lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý phải tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; thực hiện nghiêm ngặt các quy định về cách ly và quản lý y tế sau cách ly.
Người dân phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng đặc biệt là tại các cơ sở y tế; chợ, siêu thị, bến xe, bến cảng, sân bay, ga tàu, trên các phương tiện giao thông công cộng; nhà máy, xí nghiệp,... Các sự kiện tập trung đông người phải tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 nơi tổ chức.
Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo các ngành trước hết là y tế, giáo dục, du lịch, công an đôn đốc tất cả cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở lưu trú, trường học; tiến hành tự rà soát, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, hướng dẫn phòng chống dịch, công khai kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch Covid-19; thực hiện yêu cầu tự đánh giá đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Thường xuyên kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, cơ sở vi phạm; xử lý các cá nhân vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu, hướng dẫn, khuyến nghị của ngành y tế và nêu cao tinh thần tương thân tương ái trong phòng chống dịch bệnh. Bộ Y tế theo dõi, thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện, đề xuất biểu dương các ngành, địa phương thực hiện tốt, chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa tốt.
Tại Long An, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận ca dương tính với Covid-19, đến ngày 30/11, tỉnh hiện không có người đang cách ly tại nhà, cộng dồn đến nay là 3.034 người, hoàn thành cách ly 3.034 người.
Tại cơ sở cách ly tập trung, từ ngày 29 đến 30/11 ghi nhận 14 ca, hoàn thành 307 ca; cộng dồn là 2.009 người, trong đó có 94 người đang cách ly (Vĩnh Hưng 17 người, Khách sạn Bến Lức 77 người, trong đó 74 chuyên gia và 3 thân nhân), hoàn thành cách ly là 1.915 người.
Tỉnh hiện không có người cách ly tại cơ sở y tế. Toàn tỉnh cộng dồn đến nay có 6.460 người hoàn thành cách ly, trong đó số chuyên gia là 211 người. Tỉnh tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp cách ly với tổng số 3.811 lượt, kết quả 3.811 lượt âm tính./.
|
Phạm Ngân