Tiếng Việt | English

01/11/2015 - 09:37

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo:

Xuất hiện siêu vi khuẩn kháng mọi loại kháng sinh

Tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ở Việt Nam đang ở mức báo động, không chỉ ghi nhận một mà vài loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh... Đây là nghiên cứu mới nhất được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế cảnh báo về tình trạng kháng kháng sinh của Việt Nam.

 

Tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam chiếm tỷ lệ 9%, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Ấn Độ (11%)

Theo TS Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế cho biết, qua nghiên cứu cho thấy tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động và ngày càng gia tăng. Trong đó tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm.

Đáng chú ý, Việt Nam đã ghi nhận không chỉ một mà vài loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Trong khi đó, theo điều tra của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Oxrford (Anh) hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong số 26 nước báo cáo tình trạng kháng thuốc thì tỷ lệ kháng thuốc cao nhất tại Ấn Độ 11%, Việt Nam đứng thứ hai với 9%, sau đó đến Bulgaria.

Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.

TS Nguyễn Vũ Trung cho biết thêm, vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn cả ở nước phát triển. Một số nghiên cứu cho thấy tại Mỹ việc dùng kháng sinh không hợp lý lên đến 50% tại các cơ sở khám chữa bệnh. Còn lượng kháng sinh được sử dụng trên toàn thế giới là hơn 30%.

Theo Bộ Y tế, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết trong điều trị cho người bệnh, tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc.

Từ ngày 16 tới 22/11, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Tuần lễ Truyền thông về Phòng chống kháng thuốc trên cả nước với nhiều hoạt động nhằm phòng chống kháng thuốc, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Đặc biệt là việc tổ chức lấy 1.000.000 chữ ký của người dân thể hiện cam kết phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam.

 

Nguồn: Minh Khang/SGGP

 

Chia sẻ bài viết