Tiếng Việt | English

23/05/2018 - 22:06

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 145 triệu USD, tăng mạnh lên tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Với kết quả trên, Trung Quốc đã vượt xa Mỹ, chiếm vị trí thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam và là tâm điểm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt trong năm nay.

Hiện Việt Nam là nhà cung cấp cá thịt trắng lớn thứ 3 cho thị trường Trung Quốc, sau Nga và Na Uy. Ngoài việc nhập khẩu cá tra phục vụ tiêu thụ trong nước, Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu 3 nhóm sản phẩm cá thịt trắng là: cá Cod, cá Alaska pollock và cá Hake từ Nga, Nauy và Mỹ để phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2018, sản phẩm cá Cod đông lạnh (mã HS 030363), cá Alaska pollock đông lạnh (HS 030367) và cá tra, basa phile đông lạnh (HS 030462) là 3 nhóm sản phẩm nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ trọng sản phẩm cá Cod trong cơ cấu nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc chiếm tới 41,5% tổng giá trị, trong khi cá tra, basa mới chiếm 5,7% tổng nhập khẩu.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng tại Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng và ổn định trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc thị phần cho cá tra, basa Việt Nam tại thị trường này vẫn còn không nhỏ.

VASEP cũng dự báo trong quý 2/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng sẽ giảm dần, do những rủi ro về giá cả, chất lượng và thanh toán. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải thận trọng hơn khi đẩy mạnh hàng sang thị trường Trung Quốc, dù đây là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất hiện nay của Việt Nam.

Trong bối cảnh xuất khẩu cá tra sang một số thị trường truyền thống như EU, Mỹ… đang gặp khó khăn do bị truyền thông nước ngoài bôi xấu, thuế chống bán phá giá cao, rào cản kỹ thuật… thì Trung Quốc được xem là thị trường thay thế rất tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, việc tăng trưởng nóng về xuất khẩu cá tra thị trường sang Trung Quốc trong thời gian gần đây đang gây ra nhiều mối lo ngại.

Hiện cá tra đang được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng cả đường biển và đường bộ. Tuy nhiên, một lượng lớn cá tra xuất khẩu qua đường bộ đã làm giảm đáng kể giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc.

Theo VASEP, giá cá tra xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đang cao hơn khoảng trên 1 USD/kg so với giá cá tra xuất khẩu tiểu ngạch. Trong khi đó, lượng cá tra xuất khẩu tiểu ngạch lại chiếm khá cao nên giá trị xuất khẩu thu về khá thấp. Nếu phần lớn lượng cá tra đang đi tiểu ngạch được chuyển sang chính ngạch, chắc chắn giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với con số thống kê trên.

Đáng lo ngại hơn, theo thông tin từ một số doanh nghiệp thuỷ sản, một số thương nhân Trung Quốc đã xuống tận vùng nguyên liệu cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long để thu mua và xuất khẩu cá tra về nước họ qua đường tiểu ngạch. Vấn đề ở chỗ những thương nhân này không quan tâm tới vấn đề chất lượng, tiêu chuẩn cá tra xuất khẩu. Điều này đang làm ảnh hưởng tới uy tín, chất lượng của cá tra Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, khi mà Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính.

Để xuất khẩu cá tra ổn định, tránh phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký VASEP cho biết VASEP đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn đối với mặt hàng cá tra xuất sang Trung Quốc, cho tới khi nguồn nguyên liệu cá tra dồi dào trở lại.

Theo đó, VASEP muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ thông qua việc cấp về kiểm tra Chứng thư chất lượng sản phẩm trước khi xuất hàng đi.

VASEP cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế cá tra hiện nay để bảo đảm chất lượng cá tra xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu chiến lược phát triển dài hạn thị trường Trung Quốc và có các chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra vào thị trường rộng lớn này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết