Ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng dịch Covid - 19. Dịch bệnh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật tư, sản phẩm nông nghiệp, trong nước và quốc tế. Thời tiết khắc nghiệt với nhập mặn, hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Tuy nhiên, trong 6 tháng năm 2020, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, GDP toàn ngành quý 1 năm 2020 tăng 0,08% so với cùng kỳ 2019, trong đó lâm nghiệp tăng 5,03%, thủy sản tăng 2,79%, nông nghiệp giảm 1,17%.
Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng trưởng, trong đó lâm nghiệp tăng 5,13%, thủy sản tăng 2,85%, trồng trọt tăng 0,12% duy có khu vực chăn nuôi giảm 3,62%.
Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng năm ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nhóm hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD, giảm 19,4%; thủy sản ước đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%.
Một số mặt hàng nông lâm thủy sản vẫn giữ được đà tăng trưởng như: Cà phê đạt 1,6 tỷ USD (tăng 1,2%) gạo đạt 1,7 tỷ USD (tăng 17,9%) rau đạt 384 triệu USD (tăng 19,5%)… Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm trong nửa đầu năm 2020 gồm: Cao su, chè, hồ tiêu, cá tra, tôm. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn giữ mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng trên 41 tỷ USD trong năm 2020.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành nông nghiệp liên tục gặp những thách thức “rủi ro kép” từ dịch bệnh và thiên tai, tuy nhiên cần đưa ra các giải pháp tháo gỡ, không bàn lùi, không thay đổi mục tiêu kế hoạch năm 2020.
“Ngành nông nghiệp phải hoàn thành 2 mục tiêu, đó là sản xuất lương thực và thực phẩm, qua đó đảm bảo khoảng 43,5 triệu tấn lúa gạo, đủ lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam và xuất khẩu từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn. Đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 42 tỷ USD” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói./.
Theo VOV.VN