Thị trường xuất khẩu khởi sắc
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) - Trương Quang An phấn khởi: “Mấy năm nay, sản lượng thanh long XK của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện nay, bình quân mỗi tháng HTX XK từ 200-300 tấn thanh long, trong đó, 70% XK sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch, chính ngạch và 30% XK sang thị trường khó tính: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Canada, Malaysia, Dubai, New Zealand, Ấn Độ, Úc”. Cùng tâm trạng phấn khởi như ông An, Giám đốc HTX Thanh long Vạn Thành - Nguyễn Vạn Thành cho biết: “Bình quân mỗi ngày, HTX XK 20 tấn thanh long sang Trung Quốc. Riêng thị trường khó tính, bình quân 1 tuần, HTX XK 20 tấn”.
Thanh long xuất khẩu nhiều khởi sắc, sản lượng năm sau cao hơn năm trước
Toàn tỉnh hiện có trên 9.000ha thanh long, sản lượng khoảng 220.000 tấn/năm, phần lớn dành cho XK, trong đó, 80% sản lượng xuất sang thị trường Trung Quốc với giá trị khoảng 180 triệu USD trong năm 2017. Ngoài ra, thanh long còn được XK sang 14 nước, vùng lãnh thổ khác. Đặc biệt, nhãn hiệu “Tầm Vu, Châu Thành” của HTX Thanh long Tầm Vu được 5 nước: Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore, Trung Quốc chấp nhận bảo hộ.
Ngoài thanh long, thị trường xuất khẩu của chanh không hạt, chuối cũng có nhiều khởi sắc trong XK. Chuối đang được Công ty (Cty) TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ) khai thác, phát triển và xây dựng thương hiệu Chuối Fohla để XK với diện tích trên 200ha. Năm 2017, Huy Long An XK khoảng 5.800 tấn chuối, đạt 4 triệu USD. Giám đốc Cty - Võ Quan Huy cho biết: “Từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình XK chuối khởi sắc hơn, bình quân 1 tháng, Cty XK từ 500-1.000 tấn, trong đó, 40% xuất sang Nhật, 40% xuất sang Hàn Quốc, 12% sang Trung Quốc và 8% được tiêu thụ nội địa. Tuy chiếm tỷ lệ thấp nhưng Trung Quốc đang là thị trường tiềm năng”.
Xuất khẩu điều gặp khó khăn
Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết: “6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh XK ước đạt 2,55 tỉ USD, tăng 20,9% so cùng kỳ năm 2017, trong đó, kim ngạch XK hàng nông sản chiếm 15%. Năm 2018, dự kiến kim ngạch XK ước đạt 5,2 tỉ USD, tăng 17,4% so với năm 2017. Bên cạnh thuận lợi, có vài mặt hàng XK như gạo, cá ngừ đại dương bị giảm so với năm trước do chất lượng nguồn nguyên liệu chưa bền vững, giá XK nông sản không ổn định”.
Gạo, hạt điều là 2 mặt hàng gặp nhiều khó khăn trong XK. 6 tháng đầu năm 2018, các DN trên địa bàn tỉnh XK gạo ước đạt 270.000 tấn, giá trị đạt 139 triệu USD (giảm 31,2% về lượng và 25,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2017). Hạt điều XK ước đạt 63,2 triệu USD (giảm 25% so cùng kỳ), trong khi đó, lũy kế XK điều nhân 6 tháng qua trên cả nước ước đạt 176.000 tấn, với giá trị 1,4 tỉ USD, tăng 17% cả về lượng và giá trị so cùng kỳ năm 2017. Trước đây, trên địa bàn tỉnh có trên 30 DN chuyên ngành nghề chế biến hạt điều XK; đến nay, hơn 10 DN ngưng hoạt động.
6 tháng đầu năm, lượng hạt điều xuất khẩu giảm mạnh
Chủ tịch Vinacas, Giám đốc Cty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An - Nguyễn Đức Thanh cho rằng, DN chế biến điều XK đang gặp khó, bởi trước năm 2017, giá mua nguyên liệu điều khá cao (từ 2.200-2.400 USD/tấn, nay giảm còn 1.600-1.800 USD/tấn) nhưng giá điều XK sau chế biến không tăng (trước đây, giá bán điều luôn ở mức cao, nay mức giá trở về mức bình thường). Nghĩa là, DN mua nguyên liệu với mức giá rất cao, khi bán sản phẩm nhân điều lại ở mức thấp hơn, khiến cho kết quả sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả. Do đó, có một số DN không lường trước được giá điều XK giảm, “ôm” nguồn nguyên liệu với giá mua vào khá cao nên rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, đành phải ngưng hoạt động sản xuất.
Những năm trước, lợi nhuận từ XK điều cao nên nhiều DN được thành lập để cạnh tranh mua bán, tranh giành khách hàng. Hệ quả là số lượng lớn điều nhân được XK nhưng giá lại rẻ, lợi nhuận không cao. Giá điều XK liên tiếp giảm, nguồn cung thiếu hụt nên một số DN bị thua lỗ kéo dài, thậm chí ngừng hoạt động.
Sản xuất theo chuỗi giá trị
Mặc dù 6 tháng qua, XK gạo cả nước tăng nhưng XK gạo của tỉnh có chiều hướng tiếp tục giảm do số lượng DN được XK sang Trung Quốc giảm (hiện nay chỉ còn 2 DN) trong khi đây là thị trường XK chiếm tỷ trọng cao (trên 80%) của tỉnh. XK gạo sang các thị trường khác vẫn có tăng trưởng khá. Cty TNHH Dương Vũ (huyện Thủ Thừa) là 1 trong 2 DN được phép XK gạo sang Trung Quốc. Nói về vấn đề này, Giám đốc Cty TNHH Dương Vũ - Nguyễn Quang Hòa cho rằng: “Thực tế, Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ lúa, gạo và các loại nông sản khác của Việt Nam nhưng chính sách về xuất, nhập khẩu nông sản, đặc biệt trên lĩnh vực lúa, gạo của Trung Quốc liên tục thay đổi. Trước năm 2017, thuế nhập khẩu chỉ 20%; sau năm 2017 đến ngày 01/7/2018 tăng 30%; sau ngày 01/7/2018 tăng lên 50%”. Theo ông Hòa, để có thể XK tốt, DN luôn bám sát chủ trương, chính sách, lượng hàng hóa của nước bạn sản xuất để thích ứng. DN phải dự đoán được rủi ro, quan hệ với đối tác, các tham tán thương mại nông nghiệp của nước ta lẫn nước bạn để tìm hiểu, nếu nước bạn gieo giống, được mùa thì nông dân, DN Việt phải ngưng trồng, ngưng sản xuất vì sẽ không bán được.
Mặc dù 6 tháng qua, xuất khẩu gạo cả nước tăng nhưng xuất khẩu gạo của tỉnh có chiều hướng tiếp tục giảm do số lượng doanh nghiệp được xuất khẩu sang Trung Quốc giảm (Trong ảnh: Hoạt động tại Công ty TNHH DươngVũ, 1 trong 2 doanh nghiệp của tỉnh được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc)
Theo dự báo, các loại nông sản, thủy sản của Việt Nam XK vào thị trường châu Âu, các thị trường khó tính hay Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bị tăng cường kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Vấn đề này, ông Võ Quan Huy cho rằng: “Đối với người Nhật hay các thị trường khó tính khác, khi muốn XK thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn của họ. Khi mua sản phẩm của mình, họ lấy mẫu về kiểm nghiệm, đáp ứng đủ yêu cầu thì mới được chấp nhận. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng, muốn sản xuất hàng XK phải có quy trình chăm bón, đóng gói, bảo quản,... nghiêm ngặt. Nếu làm được, tin rằng, nông sản trên địa bàn tỉnh sẽ vững tin vươn ra thị trường thế giới”.
Ông Lê Minh Đức cho biết thêm: “Để nông sản có thể vươn ra thị trường thế giới, các ngành đang đẩy mạnh khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông sản Việt Nam vào các nước. Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương và các cơ quan Trung ương chỉ đạo tham tán thương mại thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, chính sách xuất, nhập khẩu của các nước cùng những chủ trương, chính sách pháp luật mới, về các rào cản kỹ thuật trên lĩnh vực thương mại quốc tế, về chống bán phá giá ở nước ngoài,... Từ đó, sở thông tin đến các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, nhất là cần thông tin thị trường Trung Quốc, phương thức thanh toán của thị trường châu Phi”./.
Mai Hương