Người tiêu dùng Trung Quốc đang rất ưa chuộng các dòng sản phẩm sầu riêng chế biến của Việt Nam. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Trải qua một năm nhiều khó khăn và thách thức, đối mặt với nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn của khách hàng thế giới, và sự thắt chặt chi tiêu ứng phó với biến động thu nhập, nhưng ngành rau quả Việt Nam vẫn mang về kết quả vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm 2023.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau quả Việt Nam trong năm 2024.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đàm phán để quả ớt và dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Cùng với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể sẽ được phép xuất khẩu vào nước này thì kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo sẽ tăng lên đáng kể.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết dự kiến thời gian tới có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam ông Nguyễn Khắc Tiến, qua khảo sát thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các dòng sản phẩm sầu riêng chế biến. Đây là lợi thế cho rau quả Việt Nam sản xuất thêm dòng sản phẩm giá trị gia tăng từ sầu riêng, cũng là hướng đi Công ty Ameii định hình để phát triển trong năm nay về ngành rau quả.
Trái dưa hấu Việt Nam có thêm tin vui từ Nghị định thư chấp nhận nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng khi Nghị định thư mở ra, xuất khẩu dưa hấu có thể tăng gấp đôi, đạt 100 triệu USD vào năm tới.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh chóng hơn nhiều.
Nông dân thu hoạch dưa hấu. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)
Hải quan Trung Quốc sẽ giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ còn 2-3% nên sẽ không còn cảnh dưa hấu bị ùn tắc khi bước vào cao điểm như lễ Tết mọi năm.
Đặc biệt, giá xuất khẩu mặt hàng này cũng sẽ ổn định hơn, giúp người dân trồng dưa tăng thu nhập.
Bên cạnh những kết quả đạt được và nhiều cơ hội đang mở ra cho ngành rau quả Việt Nam, ngành cũng phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và đảm bảo uy tín của rau quả Việt Nam như lưu ý về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, cơ sở đóng gói... theo quy định của các Nghị định thư đã ký kết. Bởi, là loại rau quả nào, mục đích cuối cùng vẫn là tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị để có thể làm ăn lâu dài, gây dựng thương hiệu tốt, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ luật chơi, đảm bảo chất lượng tốt ở tất cả thị trường.
Trong năm 2024, với góc nhìn lạc quan hiện nay, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD, từ đó là động lực để đưa Việt Nam trở thành "cường quốc" xuất khẩu rau quả.
Trước đó, theo các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 tăng nhờ việc Việt Nam đã ký kết được nhiều nghị định thư xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Song song đó là sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu sầu riêng, đây là loại quả có giá trị cao, lại được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong lịch sử xuất khẩu rau quả, chưa năm nào có kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD.
Năm nay, vào thời điểm đầu năm 2023, Hiệp hội Rau quả cũng chỉ đưa ra mục tiêu xuất khẩu cả năm khoảng 4 tỷ USD, nhưng hiện nay kết quả đạt được trên 5 tỷ USD. Điều này nằm ngoài mong đợi của các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý, vượt cả mục tiêu đề ra của xuất khẩu rau quả đến năm 2025.
Từ tháng 7/2022, Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, từ đó giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng tốc.
Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đạt 420 triệu USD, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chánh Thu, cho biết doanh thu của Tập đoàn Chánh Thu năm 2023 tăng gấp đôi so với năm 2022 nhờ sự lên ngôi của trái sầu riêng.
Năm 2023, doanh số xuất khẩu sầu riêng chiếm khoảng 80% tổng doanh thu; trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 75% mảng này.
Cũng theo bà Ngô Tường Vy, Trung Quốc là thị trường mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trái cây, nếu tạo dựng được uy tín và thương hiệu với khách hàng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 ước đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 66% so với năm 2022.
Các thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nga.
Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2023 đạt 3,7 tỷ USD, tăng gần 250% về giá trị và 65% về thị phần so với năm 2022.
Về chủng loại, 2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất./.
Theo vietnamplus.vn
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-rau-qua-cua-viet-nam-du-bao-tiep-tuc-lap-dinh-moi-trong-nam-2024-post919531.vnp