Tiếng Việt | English

20/07/2021 - 10:20

Yêu thương trong đại dịch Covid-19 (Bài 1)

Xung quanh chúng tôi lúc này chính là hàng loạt hình ảnh về các quán cơm nghĩa tình “0 đồng”, những chuyến xe của các chiến sĩ “kín bưng” áo bảo hộ xịt khử khuẩn mọi ngóc ngách phố phường, những túi đầy ắp gạo, bánh, sữa, dầu ăn,... được đặt trước cửa nhà với bảng chú thích “Tất cả miễn phí!”,... Đó đều là màu sắc đẹp mùa giãn cách được tạo nên bởi sự sáng tạo và trái tim nồng ấm để san sẻ, trao gửi yêu thương trong đại dịch Covid-19.

Bài 1: Bếp ăn từ thiện đỏ lửa trong ngày dịch

Những chuyến hàng lương thực, thực phẩm từ vườn nhà, bữa cơm ấm áp nghĩa tình phục vụ những người cách ly tập trung, người có hoàn cảnh khó khăn của hội viên, phụ nữ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tỉnh Long An đang góp sức cùng cộng đồng vượt qua đại dịch Covid-19.

Ấm áp bữa cơm 0 đồng

Không đơn thuần là bữa ăn trưa miễn phí mà bữa cơm 0 đồng dành cho người khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào buổi trưa mỗi ngày của nhóm PN ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng còn là sự sẻ chia trong lúc tỉnh nhà đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Bữa cơm 0 đồng tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn

“Chưa bao giờ chúng tôi thấy tình người xích lại gần nhau như vậy!” - một cụ bà bán vé số tại xã Vĩnh Bình chia sẻ khi nhận phần cơm nóng hổi từ nhóm từ thiện của dì năm (60 tuổi, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Bình).

Cứ đúng 7 giờ, nhóm của dì năm lại “nổi lửa” nấu cơm với 70-80 suất ăn/ngày. Mỗi suất cơm được chuẩn bị kỹ lưỡng, sạch sẽ, bảo đảm dinh dưỡng với canh, món mặn, xào được thay đổi hàng ngày. Trước khi cho cơm vào hộp, các chị đều sát khuẩn, mang găng tay và đeo khẩu trang.

Đến 10 giờ 30 phút, tất cả suất cơm miễn phí được xếp gọn trên bàn. Như thường lệ, vào giờ trên, những cô, chú bán vé số, người già neo đơn, nhất là những người lao động gặp khó khăn trong mùa dịch đến nhận những phần cơm trưa. Để bảo đảm an toàn cho người nhận cũng như tình nguyện viên phát cơm, khi đến nhận cơm những người này đều đứng xếp hàng giãn cách, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi vào nhận cơm.

Dì năm chia sẻ: “Hồi trước nhóm nấu cơm cũng có nhiều PN tham gia. Sau theo tinh thần giãn cách, chúng tôi hạn chế, chỉ còn lại vài người. Người đến nhận cơm cũng phải tuân thủ theo quy định phòng, chống dịch. Còn mấy cụ già trong đồng, hoàn cảnh neo đơn quá, tôi nhờ mấy đứa cháu đem cơm vào tận nhà. Cực thì cực mà vui, chỗ mình chưa có dịch nên mình có cuộc sống bình yên, muốn góp chút tấm lòng cho xã hội để tuyến đầu yên tâm chống dịch. Tất cả nguyên liệu ở đây phần lớn là cây nhà lá vườn, còn thiếu thì tôi điện thoại người đem đến giao, hạn chế ra ngoài để bảo đảm an toàn” - dì năm cười rồi nói chưa cần đến vận động, dì và mấy chị ở trên đây cũng “nuôi” bếp ăn được thêm 1 tháng.

Phụ nữ Vĩnh Hưng tặng nhu yếu phẩm cho khu cách ly trên địa bàn huyện

Cùng phụ với dì năm có chị Nguyễn Thị Mộng Thùy (44 tuổi), ngụ ấp 3, xã Vĩnh Bình. Chị chia sẻ, gia đình chị ai cũng có niềm đam mê với công tác từ thiện. Trước đây, chị thường nấu cơm chay hàng tháng để tặng người nghèo, nay có dịch, chị được chồng ủng hộ tham gia bếp của dì năm. “Bình thường vợ chồng tôi làm ruộng, nay tạm ngưng để phục vụ nấu ăn. Mình còn khỏe, mình góp công sức, hỗ trợ người khó hơn ảnh hưởng bởi dịch, đó là điều nên làm” - chị Thùy nói.

Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Vĩnh Hưng - Tạ Ngọc Huệ thông tin, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hội, nhóm thiện nguyện tương tự. Với tấm lòng bác ái của mình, các thành viên cùng nhau vận động dưới nhiều hình thức để hỗ trợ các suất ăn, phần quà cho người có hoàn cảnh khó khăn. Riêng PN Vĩnh Hưng không chỉ nấu cơm mà đợt dịch vừa qua, Hội còn gói bánh tét, bánh ú, vận động các nhu yếu phẩm, nước rửa tay, khẩu trang,… đi thăm các chốt biên phòng, chốt kiểm soát đường mòn, lối mở; khu cách ly tập trung,…

Sẵn sàng “đỏ lửa” đến ngày hết dịch

Những ngày này, nhóm nấu ăn của chị Trần Thị Thiên Nga, ngụ ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tất bật từ việc vận động nguồn nguyên liệu đến việc chế biến những suất ăn ngon, đủ dinh dưỡng để “tiếp sức” cho lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát, các khu phong tỏa phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Dù vất vả nhưng các chị luôn cố gắng với tất cả tấm lòng, mang đến những bữa ăn ngon, để mọi người có sức khỏe tốt hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Món ăn đa dạng tại bếp của phụ nữ Phước Lâm

“Không chỉ ủng hộ về vật chất, mọi người còn gửi về cho “bếp” những lời động viên, những lời cảm ơn chân thành. Trước tình cảnh quê hương đang dịch bệnh, ai cũng muốn làm một việc gì đó thiết thực, góp sức có ích nhất mới thấy yên lòng” - chị Nga nói.

Với thực đơn phong phú được các thành viên của “bếp” thay đổi hàng ngày, tất cả các khâu từ sơ chế đến nấu nướng đều được bảo đảm an toàn thực phẩm. Mỗi ngày, bếp cung cấp 3 bữa, bao gồm bữa sáng, bữa chiều và bữa đêm.

Theo Chủ tịch Hội LHPNVN xã Phước Lâm - Kiều Thị Ánh Nguyệt, khi địa bàn xã có ca dương tính với SARS-CoV-2, các hoạt động đều tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Để tuyến đầu yên tâm chống dịch, chị em chỉ biết gửi tấm lòng qua những món ăn, phục vụ cán bộ xã, những người ở khu phong tỏa và trực tiếp tham gia tại các chốt kiểm soát. Hiện tại, xã có 3 bếp ăn (dự kiến thêm 1 bếp), nấu tại trụ sở 2 ấp. Số lượng người tham gia cũng hạn chế do tuân theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi ngày, các bếp cung cấp gần 140 suất cơm với các món ăn đa dạng, thay đổi theo ngày. Tất cả nguyên liệu chế biến đều được các chị vận động và sẵn sàng phục vụ đến khi nào hết dịch bệnh mới thôi.

Các chị bảo đảm an toàn thực phẩm và các quy định về phòng, chống dịch trong mùa giãn cách khi nấu ăn hỗ trợ cho khu cách ly

Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng cho hay, toàn huyện thành lập 24 nhóm nấu ăn, với 112 thành viên. Mỗi ngày, các nhóm nấu ăn nấu 3 suất cơm, mì hoặc hủ tiếu hỗ trợ các chốt kiểm dịch, lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực phong tỏa. Trong quá trình chế biến, các chị luôn bảo đảm an toàn thực phẩm và thường xuyên thay đổi món ăn khác nhau. Ngoài hỗ trợ nấu các suất ăn, mỗi tuần 2 lần, Hội PN các cấp còn tổ chức 2 chuyến xe hỗ trợ rau, củ, quả, sữa và nhu yếu phẩm cho các địa phương. Tính đến nay, các cấp Hội vận động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trị giá hơn 300 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm, phát huy kết quả năm 2020, Hội LHPNVN tỉnh tham gia vào các hoạt động hỗ trợ những khu cách ly và người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch Covid-19. Năm 2021, khi dịch bùng lên, ngay trong đợt đầu tiên, PN đã phát động lại các hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là hoạt động của các “bếp yêu thương”. Hội hy vọng, hoạt động này sẽ lan tỏa để nhân lên những điều tốt đẹp trong mùa dịch Covid-19.

Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với những biến thể của vi-rút SARS-CoV-2 nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh, bên cạnh những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, những câu chuyện về tình người, những bữa ăn ấm lòng dành tặng khu vực bị khoanh vùng, cách ly y tế cũng khiến nhiều người xúc động./.

Toàn tỉnh có 475 cán bộ, hội viên, PN tham gia phục vụ nấu ăn hỗ trợ trong mùa dịch,... với 78 bếp ăn, cung cấp gần 7.000 suất ăn cho khu cách ly, cán bộ trực chốt, cho người dân bị ảnh hưởng tại các khu khoanh vùng. Con số này ngày càng tăng từng ngày do khu khoanh vùng tăng.

(Hội LHPNVN tỉnh)

(còn tiếp)

Nhóm PV

Chia sẻ bài viết