Tiếng Việt | English

03/04/2024 - 09:00

‘Người mẹ thứ 2’ của trẻ

18 năm gắn bó với nghề, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Tuyết Nhung - giáo viên Trường Mầm non Mỹ Bình (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), luôn yêu nghề, mến trẻ, xem trẻ như các con của mình để chăm sóc, giáo dục và dõi theo những thay đổi, sự trưởng thành của trẻ.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Chọn nghề giáo viên mầm non theo các chị trong gia đình cũng như để giảm gánh nặng cho cha mẹ nhưng khi được dạy trẻ, cô Nhung càng cảm thấy yêu nghề, mến trẻ và tình yêu đó ngày thêm lớn dần. Cô Nhung chia sẻ: “Từ học tập đến sinh hoạt hàng ngày tại lớp, tôi và trẻ đều gần gũi, gắn bó nên tình cảm được vun đắp ngày càng lớn.Tôi xem trẻ như những đứa con của mình và quan tâm, yêu thương, chăm sóc để trẻ cảm nhận được tình yêu thương, sự thân thiện, từ đó gần gũi, tin tưởng tôi. Nhờ vậy, tôi thuận lợi nắm được tâm tư, mong muốn, sở thích, tính cách của trẻ và giúp trẻ phát triển toàn diện”.

Trong chăm sóc, giáo dục trẻ, cô Nhung chủ động thay đổi phương pháp giáo dục phù hợp với chương trình để đạt hiệu quả dạy học tốt nhất. Trong đó, cô sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ.

Cô Nhung còn tích cực đổi mới, có nhiều sáng tạo từ việc đổi mới về xây dựng môi trường giáo dục đến lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập phù hợp với khả năng của trẻ và tình hình thực tế của lớp, nhà trường, địa phương.

Trong đó, cô luôn quan tâm đến yếu tố lấy trẻ làm trung tâm trong mọi hoạt động và thiết kế, tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động thực hành, trải nghiệm thực tế, tổ chức các hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” để giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Trường Mầm non Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) theo sát trẻ trong các hoạt động học, chơi

Ngoài ra, cô Nhung chú trọng dạy trẻ biết tự lập và một số kỹ năng sống. Theo đó, cô rèn cho trẻ những kỹ năng cơ bản nhất như kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng trong ăn uống, vệ sinh, sinh hoạt, học tập, làm việc theo nhóm, hợp tác cùng bạn bè,... giúp trẻ hình thành thói quen tốt trong cuộc sống.

“Giai đoạn đầu, tôi hướng dẫn trẻ thực hiện, sau đó giúp đỡ và khi trẻ quen, tôi gợi mở cho trẻ thực hiện, từ đó nhận xét và động viên, khích lệ trẻ. Việc dạy trẻ tính tự lập và hình thành các kỹ năng sống được lồng ghép trong tất cả hoạt động mỗi ngày của trẻ ở trường mầm non từ lúc đón trẻ, hoạt động học, thể dục sáng đến hoạt động ngoài trời, chơi, vệ sinh, ăn, ngủ,... Nhờ vậy, trẻ thực hiện tốt, có thêm hành trang để bước vào lớp 1” - cô Nhung nói.

Với những nỗ lực, cô Nhung được ghi nhận với nhiều thành tích, nổi bật nhất là được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú trong năm 2024./.

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết