Tiếng Việt | English

16/12/2020 - 09:13

Tưởng nhớ cố Giáo sư Trần Văn Giàu

Cố Giáo sư (GS) Trần Văn Giàu là người con ưu tú của đất Châu Thành, tỉnh Long An. Sự nghiệp và những thành tựu của cố GS để lại như một tấm gương sáng, lời nhắc nhở cho thế hệ sau hãy chung tay xây đắp quê nhà. Ở mỗi vị trí khác nhau, người Châu Thành có những cách khác nhau để làm theo điều đó.

Tượng cố Giáo sư Trần Văn Giàu được trân trọng đặt tại Công viên thị trấn Tầm Vu

Tượng cố Giáo sư Trần Văn Giàu được trân trọng đặt tại Công viên thị trấn Tầm Vu

Không phụ lòng thầy

Năm học 2019-2020 là năm học đầu tiên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành không tổ chức Giao lưu giải thưởng Trần Văn Giàu dành cho học sinh (HS) lớp 5 trên toàn huyện. Ban đầu, Quỹ học bổng Trần Văn Giàu được GS trao cho Trường Tiểu học Dương Xuân Hội (nay là Tiểu học Thị trấn Tầm Vu) với mức kinh phí khởi điểm là 60 triệu đồng cùng lời căn dặn nhà trường chỉ nên gửi số tiền trên vào tiết kiệm và sử dụng tiền lãi hàng năm vào việc khen thưởng.

Phần thưởng phải xứng đáng và không nên thưởng tiền mặt, chỉ nên thưởng bằng hiện vật phục vụ trực tiếp cho việc học tập của các em. Nếu còn dư, GS muốn nhà trường tổ chức cho HS thăm các bảo tàng lịch sử nhằm mở mang kiến thức. Quỹ học bổng như “cơn mưa khi trời hạn” vì Trường Tiểu học Dương Xuân Hội thời điểm đó đang gặp khó khăn trong việc xã hội hóa kinh phí khen thưởng cho HS. Về sau, GS tiếp tục bổ sung vào nguồn vốn gốc của quỹ 200 triệu đồng và Quỹ học bổng Trần Văn Giàu được duy trì đến ngày nay.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Tầm Vu - Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Hiện tại, nguồn Quỹ học bổng trường đang quản lý là 500 triệu đồng do gia đình vừa bổ sung thêm. Trước đây, học bổng chỉ trao cho HS của trường nhưng những năm gần đây, học bổng được mở rộng ra cho HS toàn huyện. Mỗi năm, các trường tuyển chọn HS xuất sắc tham gia Giao lưu giải thưởng Trần Văn Giàu do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức. Tùy theo nguồn kinh phí mỗi năm mà Ban Tổ chức quyết định cơ cấu giải thưởng theo từng năm”.

Thầy Hoàng chia sẻ, học bổng Trần Văn Giàu là động lực cho các em HS trong toàn huyện phấn đấu học tập. Đó là "sân chơi", giúp các em có dịp giao lưu cùng nhau, cũng là sự động viên để các em tiếp tục học tập thật tốt khi bước sang cấp học mới. Em Lê Thị Kim Tuyền (HS Trường THCS Thanh Phú Long, xã Thanh Phú Long) là một trong những HS được nhận học bổng Trần Văn Giàu năm học 2016-2017. Hiện Tuyền vẫn giữ vững thành tích là HS giỏi của lớp và nỗ lực để góp mặt trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp huyện của trường.

GS Trần Văn Giàu vốn là nhà giáo nên ông đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục. Ngoài quỹ học bổng cho Trường Tiểu học Thị trấn Tầm Vu, ông còn tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng Trường Mẫu giáo Phú Ngãi Trị (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành). Hiện nay, các cô giáo tại trường vẫn nhắc nhau về việc đây là mái trường do GS xây dựng và xem đó như một trong những động lực để phấn đấu trong quá trình giảng dạy và chăm sóc các cháu.

Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phú Ngãi Trị - Nguyễn Thu Hằng cho biết: Hàng năm, giáo viên trường đều tích cực tham gia các phong trào thi đua do ngành phát động: Giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua các cấp,... Năm học 2019-2020, trường có 2 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 1 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Đặc biệt, ngoài việc giảng dạy, các giáo viên trường còn dành thời gian sáng tạo đồ dùng dạy học phục vụ các em HS. Mới đây, sản phẩm Chiếc nón đa năng của tập thể khối lá đoạt giải Đồ dùng, đồ chơi sáng tạo của huyện.

Tổ trưởng khối lá, Trường Mẫu giáo Phú Ngãi Trị - Trần Thị Thu Trinh cho biết: “Việc giảng dạy tại trường luôn xem HS là trung tâm nên chúng tôi cố gắng giúp các cháu có thể học và chơi thật vui. Mô hình Chiếc nón đa năng giúp các cháu phát triển ngôn ngữ, nhận thức, có thể dùng trong cả giờ học lẫn giờ chơi. Chúng tôi tận dụng các vật liệu bỏ đi để tái chế, dùng thời gian nghỉ trưa của các cháu và thứ bảy, chủ nhật để làm”.

Sản phẩm được hoàn tất sau khoảng 20 ngày “nhín từng chút thời gian” của các cô và trở thành dụng cụ học tập yêu thích của các em HS lớp lá 1 và 2 của trường. Cô Hằng cho biết, làm việc tại mái trường do GS Trần Văn Giàu đầu tư xây dựng, tập thể cán bộ, giáo viên luôn tự hào vì điều đó và nỗ lực, phấn đấu từng ngày. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức cho giáo viên và HS lớp lá đến viếng mộ cố GS nhằm bày tỏ lòng tri ân và giáo dục truyền thống cho các em.

Tâm huyết người ở lại

Qua câu chuyện của cô Hằng, chúng tôi được biết, cách đây không lâu, gia đình GS vừa hỗ trợ thêm kinh phí tu bổ, sửa chữa những hư hỏng nhỏ tại trường sau khoảng thời gian dài đưa vào sử dụng. Ông Trần Văn Khoa (ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội) là cháu gọi cố GS là ông, cũng là người trực tiếp thờ phụng vợ chồng GS, cho biết: “Trước đây, trường được ông đầu tư 100 cây vàng để xây dựng. Sau này, ông có hỗ trợ sửa chữa tu bổ 1 lần. Sau khi ông mất, do trường tiếp tục cần tu bổ nên gia đình chúng tôi hỗ trợ thêm kinh phí để giáo viên và các cháu được an tâm dạy và học”.

Cố Giáo sư Trần Văn Giàu đã tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng Trường Mẫu giáo Phú Ngãi Trị (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành)

Cố Giáo sư Trần Văn Giàu đã tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng Trường Mẫu giáo Phú Ngãi Trị (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành)

Là hậu duệ của GS, được nhìn thấy tình cảm của GS dành cho quê hương, ông Khoa luôn tự nhắc nhở mình và con cháu trong gia đình tiếp nối truyền thống đó. Ngoài việc tu bổ Trường Mẫu giáo Phú Ngãi Trị, hậu duệ cố GS còn tiếp tục bổ sung kinh phí cho Quỹ học bổng Trần Văn Giàu để nâng tổng nguồn quỹ gốc hiện tại lên 500 triệu đồng.

Ông Khoa nói: “Nhìn theo gương của cha ông, chúng tôi luôn cố gắng làm tất cả những việc trong khả năng của mình để đóng góp cho quê nhà”. Gia đình ông Khoa là một trong những gia đình tiêu biểu tại địa phương. Các con của ông Khoa cũng đều đạt thành tích cao trong học tập.

Người dân Châu Thành luôn tự hào quê hương đã sinh ra một người con ưu tú là cố GS Trần Văn Giàu. Tượng cố GS được trân trọng đặt tại Công viên thị trấn Tầm Vu thể hiện lòng tôn kính, tri ân đối với nhà cách mạng tài ba, lỗi lạc; đồng thời là một cách giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.

Bí thư Đoàn xã Dương Xuân Hội - Châu Huỳnh Như cho biết, để nhắc nhở các bạn trẻ về truyền thống của địa phương, Đoàn Thanh niên xã thường xuyên tổ chức các đoàn đến thắp nhang, chăm sóc bia mộ cố GS, tổ chức cho HS đến chào cờ, hát Quốc ca tại khu mộ. Những người con Châu Thành, đặc biệt là người đang trực tiếp thụ hưởng các giá trị GS để lại vẫn luôn phấn đấu từng ngày để không phụ lòng kỳ vọng của cố GS - người luôn hết lòng cho quê hương, đất nước./.

Quế Lâm - Đặng Hương

Chia sẻ bài viết