Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả
Tạo bước đệm
Năm qua, nền nông nghiệp tỉnh nhà có những bước tiến mới. Việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động. Đây cũng là bước đệm đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Minh chứng là các mô hình nông nghiệp ƯDCNC ngày càng khẳng định được những ưu điểm vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Tam Nông Việt (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) - Đinh Bạt Quy cho biết: “So với phương pháp truyền thống, cây trồng trong nhà lưới phát triển rất tốt và cho năng suất cao hơn. Ngoài ra, trồng trong nhà lưới bảo đảm nước và côn trùng phía ngoài không ảnh hưởng lên cây”. “Hiện nay, tôi đang thành công với mô hình ƯDCNC trồng dưa lưới, dưa leo, cà chua bi..., tưới nhỏ giọt Israel sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình 1.000m2 dưa lưới, sau 65 ngày thu hoạch cho năng suất trên 3 tấn, với giá bán 65.000 đồng/kg như hiện nay, lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Tôi đang mở rộng mô hình với diện tích 6.000m2 để đáp ứng nhu cầu thị trường” - anh Quy chia sẻ thêm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc thông tin: “Hiện toàn huyện có khoảng 700ha rau sản xuất ƯDCNC. Việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp ƯDCNC không chỉ dừng lại ở việc triển khai thực hiện các mô hình trong nhà lưới, nhà kính,... mà còn nhân ra diện rộng những diện tích sản xuất nông nghiệp ngoài trời, khuyến khích, hỗ trợ nông dân lắp đặt hệ thống tưới thông minh, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt cho các loại cây trồng; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; sử dụng các loại phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học vào quá trình sản xuất,... để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Đối với cây lúa, tỉnh xây dựng được 45 mô hình với diện tích 2.844ha ƯDCNC trong sản xuất. Tham gia mô hình, nông dân sử dụng giống xác nhận, sạ thưa với lượng giống 120kg/ha và áp dụng các giải pháp kỹ thuật: Bón phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm nấm xanh, thực hiện theo quy trình “1 phải, 5 giảm” và giảm được chi phí sản xuất ước khoảng 1,5-2 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn từ 2-3 triệu đồng/ha. Qua đó, nhiều nông dân linh hoạt ứng dụng một phần nội dung triển khai mô hình: Sử dụng máy cấy trong sản xuất, ứng dụng bón lót hữu cơ, chế phẩm sinh học,... với diện tích ứng dụng trên 2.000ha.
Cho hướng sản xuất mới
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Việc ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp là một lĩnh vực mới, không chỉ đầu tư nguồn vốn vào thực hiện mà còn phải thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới. Các mô hình sản xuất này ngày càng được nhân rộng với những tín hiệu khả quan, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Hiện tỉnh tập trung nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến; đồng thời đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Ngoài ra, tỉnh đang có chủ trương xây dựng khu nông nghiệp ƯDCNC để phát triển vùng tập trung sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, thực hiện tốt Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020”./.
- Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.400ha lúa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trong đó, 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng giống 80-100kg/ha; gần 1.300ha rau và 900ha thanh long ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Riêng con bò, tỉnh đã hỗ trợ 157 con bò cái sinh sản và thành lập mới 2 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác trong vùng đề án.
- Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp: Lúa 20.000ha, thanh long 2.000ha, rau 2.000ha và bò thịt 5.000 con; có 1-2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
Huỳnh Phong