Tiếng Việt | English

28/11/2020 - 07:50

“Tổ ấm“ của những hộ di dân

Từ Campuchia trở về, họ chẳng có giấy tờ tùy thân, phải sống tạm trong những túp lều xiêu vẹo ven sông, thu nhập bấp bênh,... nhưng ngày nay, cuộc sống của họ đã bước sang một trang mới, tươi đẹp hơn.

1. Người viết gọi đó là những căn nhà nghĩa tình vì những căn nhà ấy được xây dựng nên bởi những tình cảm, sự chia sẻ của chính quyền địa phương đối với các hộ di cư tự do từ Campuchia trở về sinh sống trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng. 

Đến xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, vừa qua khỏi cầu Bình Châu, chúng tôi tìm vào một cụm dân cư (CDC) mới xây dựng. Đó là CDC Bình Châu B mở rộng thuộc xã Vĩnh Bình. Đây là khu “tổ ấm” trong mơ của những hộ di cư tự do từ vùng Biển Hồ Tonlé Sap, Vương quốc Campuchia trở về sinh sống tại các xã biên giới Tuyên Bình, Vĩnh Bình nhờ chính sách cho mượn đất của chính quyền Vĩnh Hưng. Nơi các hộ Việt kiều Campuchia sinh sống là vùng đất rộng, nhà ở xây sẵn có điện, nước,... để người dân sử dụng. 

Khu nhà mới của những người di cư tự do từ Campuchia trở về

Niềm vui vẫn còn nguyên vẹn, họ tươi cười, hân hoan chào đón khách. Đám trẻ nhỏ dường như cũng vui hơn, chúng không ngớt nô đùa, tiếng cười giòn tan. Chúng tôi từng đến xóm Việt kiều này cách đây vài năm, khi đó, đứng bên Đường tỉnh 831, đoạn giáp ranh xã Tuyên Bình - Vĩnh Bình, thấy những căn chòi lá tạm bợ dựng bên triền sông. Cảm giác chỉ cần một cơn gió hay một trận mưa lớn cũng có thể cuốn trôi tất cả. Khi gặp chủ nhân của những căn chòi ấy, lại càng xót xa hơn. Từ Campuchia trở về, không ai có giấy tờ tùy thân, cuộc sống rất tạm bợ. Nhưng đó là chuyện cách đây vài năm, còn gần 1 năm nay, mọi chuyện đã thay đổi. Đã qua rồi những ngày gian khó! Những hộ dân này đã có nhà mới, cuộc sống mới. Mỗi hộ được chính quyền xây nhà sẵn trên CDC, cho mượn ở, đường giao thông kết nối với chợ, trường, trạm, có điện thắp sáng, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước,... Vì vậy, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui trong mắt họ.

Xóm Việt kiều sinh sống bằng nhiều nghề, có người mở tiệm tạp hóa, người đi mua ve chai, bán vé số,... nhưng đông nhất vẫn là làm mướn. Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Huyền, 49 tuổi cùng người chồng hơn mình 1 tuổi vừa ăn xong cơm trưa. Trong lúc vợ rửa chén, chồng bà coi lại mấy cái lọp đặt cá để kiếm thêm thu nhập. Ông không giấu được niềm vui: “Có cái nhà mới rồi, vui lắm!”. Căn nhà của vợ chồng bà Huyền có thể nói là đẹp nhất, tươm tất nhất trong số các căn nhà của hộ dân Việt kiều. Vợ chồng bà cùng các con dành số tiền nhỏ tích góp được để trang trí, mua thêm một số đồ dùng sinh hoạt và để đồ rất ngăn nắp. Cả gia đình họ về sinh sống tại Vĩnh Hưng được hơn 20 năm, mới được chính quyền cấp giấy tạm trú, vợ chồng bà mong có giấy tờ để các con xin được việc làm ở các công ty, xí nghiệp. 

2. Buổi chiều nắng vẫn còn gay gắt, bà Huỳnh Thị Vàng (61 tuổi) đội nón ra phía trước nhà trở mớ lục bình vừa cắt phơi khô để bán. Mỗi ngày, vợ chồng bà đều bơi xuồng ven sông cắt lục bình rồi về phơi bán, kiếm khoảng 200.000 đồng/ngày. Bà Vàng hiện sống cùng chồng và đứa cháu 6 tuổi trong căn nhà mới được cấp gần 1 năm nay. Từ Campuchia trở về Việt Nam sống được 16 năm, bà bảo, sau khi cưới vợ, gả chồng cho 8 đứa con, dù sống chắt chiu, vợ chồng bà vẫn còn nợ hàng xóm vài chục triệu đồng. Ở đây toàn là những người được Nhà nước cưu mang, mỗi năm tết đến còn cho quà, cho gạo. “Có nhà, mỗi năm sẽ dư được mấy triệu tiền thuê đất. Miễn là cái nóc nhà nó không còn dột là tôi mừng lắm rồi, mấy cái khác mình làm từ từ cũng có” - bà Vàng lạc quan.

Bà Huỳnh Thị Vàng phơi lục bình để kiếm thu nhập

Giọng xúc động, bà Trần Thị Hui cho hay, sống mấy chục năm, đây là lần đầu vợ chồng bà có căn nhà để ở, có chiếc tivi nhỏ để xem tin tức. “Gia đình tôi chưa bao giờ dám mơ ước có ngày sẽ có được một nơi ở để che nắng, che mưa. Lo cái ăn, cái mặc hàng ngày đã vất vả nên cuộc sống cứ đến đâu hay đến đó chứ không dám nghĩ đến sẽ có được căn nhà,... Gia đình tôi không biết nói gì ngoài cảm ơn chính quyền nhiều lắm” - bà nói. 

Nhớ lại những ngày mới từ Biển Hồ về, sống chui rúc dưới mé sông, ông Đỗ Văn Đắc (58 tuổi) - một cư dân trong khu nhà mới, trầm ngâm: “Hơn chục năm nay, 4 người trong gia đình tôi chen chúc trong căn chòi cất tạm, rộng chừng mười mấy mét vuông. 2/3 cuộc đời lênh đênh trên sông nước, có nằm mơ cũng không dám nghĩ có ngày mình được nằm ngủ một đêm yên giấc mà không phải giật mình thon thót, sợ gió mạnh giật sập nhà như bây giờ”.

Đến nay, 71 hộ di dân tự do từ Biển Hồ, Campuchia được chính quyền xã Tuyên Bình và Vĩnh Bình cho mượn đất, hỗ trợ xây nhà trong dịp Tết Canh Tý. Thông tin từ UBND xã Tuyên Bình, Vĩnh Bình, do số hộ Việt kiều tạm trú trên địa bàn đông nên xã xét theo ưu tiên những người sinh sống lâu năm sẽ vào ở trước. Nhiều năm qua, chỉ vài hộ trong số họ đã được cấp hộ tịch do đủ thời gian sinh sống tối thiểu tại địa phương và chứng minh được có nguồn gốc ở Việt Nam. Số người còn lại được xã cấp giấy tạm trú, đặc cách làm giấy khai sinh cho con em họ được đi học. Ngoài ra, xã còn phối hợp Đồn Biên phòng Tuyên Bình mở lớp xóa mù chữ cho nhóm trẻ vào buổi tối, giúp các em có điều kiện tìm công việc tốt hơn sau này./.

Long An có khoảng 300 hộ Việt kiều Campuchia với trên 1.000 người sinh sống chủ yếu tại các huyện biên giới. Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng chính quyền các tỉnh biên giới quan tâm đến nhóm người dân di cư tự do từ Biển Hồ trở về, đặc biệt là vấn đề khai sinh và học tập.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích