Ông Francois Fillon phát biểu tại một cuộc gặp ở Paris ngày 8/3 vừa qua. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Ngày 18/3, Hội đồng Hiến pháp của Pháp đã chính thức công bố danh sách 11 ứng cử viên nhận được trên 500 phiếu bảo trợ/giới thiệu của các nghị sỹ, đủ điều kiện để tham gia cuộc đua vào Điện Elysee.
Theo luật bầu cử của Pháp, các ứng cử viên phải có đủ 500 phiếu bảo trợ/giới thiệu của các nghị sỹ, được Hội đồng Hiến pháp xác nhận mới được tham gia tranh cử Tổng thống.
Trong danh sách công bố ngày 18/3, ứng cử viên Francois Fillon đến từ đảng cánh hữu "Những người Cộng hòa" (LR) đứng đầu với 3.635 phiếu, theo sau là các ứng cử viên Benoit Hamon đại diện cho đảng Xã hội (PS) và cánh tả với 2.039 phiếu; ứng cử viên theo đường lối trung dung-cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron có 1.829 phiếu; ứng cử viên của phong trào "Nước Pháp bất khuất," Jean-Luc Melenchon nhận được 805 phiếu.
Là người luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò về tỷ lệ ủng hộ, tuy nhiên, bà Marine Le Pen, ứng cử viên của đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia" (FN), chỉ đứng thứ tám trong danh sách nói trên với 627 phiếu.
Ngoài những gương mặt nổi bật có tỷ lệ ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò thời gian qua, 6 người khác cũng hội tụ đủ số phiếu bảo trợ và được quyền tham gia tranh cử Tổng thống.
Họ là Nicolas Dupont-Aignan, Nathalie Arthaud, Francois Asselineau, Philippe Poutou, Jean Lassalle và Jacques Cheminade. Các ứng cử viên này đại diện cho các đảng phái và các phong trào trải rộng từ cực hữu tới cực tả.
Trong số họ, có những người đã từng ra tranh cử Tổng thống tại cuộc bầu cử năm 2012 hoặc trước nữa. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ của họ rất thấp.
Người thu được nhiều phiếu nhất là ứng cử viên Nicolas Dupont-Aignan, Chủ tịch đảng cực hữu "Nước Pháp đứng lên" với 1,79% số phiếu, người thu được ít nhất là ứng cử viên Jacques Cheminade, Chủ tịch đảng "Đoàn kết và Tiến bộ" với 0,25%.
Các ứng cử viên khác như bà Nathalie Arthaud, lãnh tụ của phong trào "Công nhân đấu tranh" hay ông Philippe Poutou, lãnh tụ của "Đảng mới chống chủ nghĩa tư bản" cho biết, họ tham gia tranh cử không phải để trở thành chủ nhân của Điện Elysee mà là muốn thể hiện tiếng nói của tầng lớp quần chúng lao động mà họ đại diện./.
Theo TTXVN