Tăng huyết áp hay huyết áp cao là một yếu tố rủi ro có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Mọi người có thể thực hiện các bước chủ động để cải thiện huyết áp thông qua điều chỉnh lối sống.
Một nghiên cứu thí điểm được công bố gần đây trên Tạp chí Tim mạch Canada đã cho thấy, yoga có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho việc kiểm soát huyết áp so với các phương pháp kéo giãn cơ khác.
1. Tác hại của bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim hoặc tổn thương thận. Tăng huyết áp được ví như ‘kẻ giết người thầm lặng’ vì thường không có triệu chứng cho đến khi xuất hiện biến chứng.
Thay đổi lối sống có thể giúp giảm huyết áp. Ví dụ, duy trì cân nặng hợp lý, chế độ ăn uống lành mạnh, ăn ít natri và chất béo hơn...
Có nhiều loại thuốc hiệu quả trong việc hạ huyết áp, nhưng những thay đổi về lối sống như tập thể dục, ăn kiêng, không hút thuốc và uống đủ nước cũng đã được chứng minh giúp nâng cao hiệu quả của thuốc, các tác giả lưu ý.
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ…
Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim, suy thận và đột quỵ và có thể gây ra các vấn đề y tế khác như bệnh tiểu đường và tăng cholesterol. |
2. Thêm yoga vào chế độ tập luyện có thể làm giảm huyết áp
Theo TS. Paul Poirier, Viện Tim và Phổi Quebec, Đại học Laval, tác giả nghiên cứu, mục đích của nghiên cứu thí điểm này là xác định xem liệu việc bổ sung yoga vào chế độ luyện tập thể dục thường xuyên có làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không.
"Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy các can thiệp và tập luyện yoga có kết quả tim mạch ngang nhau và/hoặc vượt trội, nhưng có sự khác biệt đáng kể về các loại hình yoga, thành phần, tần suất, thời lượng, cường độ buổi tập. Chúng tôi đã tìm cách áp dụng một phương pháp khoa học nghiêm ngặt để xác định các yếu tố nguy cơ tim mạch, tác dụng có lợi của yoga cho những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch và những cách có thể áp dụng yoga trong môi trường chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như chương trình phòng ngừa ban đầu", TS. Paul Poirier cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn nhóm người tham gia bị tăng huyết áp và hội chứng chuyển hóa (sự kết hợp của tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì) và chia làm hai nhóm. Cả hai nhóm sẽ phải hoàn thành một chương trình tập thể dục nhịp điệu. Sau đó, một nhóm thêm 15 phút tập yoga, 5 ngày một tuần. Nhóm còn lại tập kéo giãn 15 phút, 5 ngày một tuần… và kéo dài trong 3 tháng.
Các nhà nghiên cứu đã đo huyết áp, nồng độ glucose và lipid, protein phản ứng C có độ nhạy cao… trong quá trình thí nghiệm và lấy điểm rủi ro Framingham và Reynolds (để dự đoán nguy cơ bị đau tim hoặc các vấn đề tim mạch nghiêm trọng khác của một người).
Kết quả cho thấy, trong khi cả hai nhóm đều có sự cải thiện về huyết áp và nhịp tim khi nghỉ ngơi, thì nhóm tập yoga có sự cải thiện đáng kể hơn về huyết áp, nhịp tim và điểm rủi ro Reynolds.
Tiến sĩ Poirier lưu ý: Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho một lựa chọn điều trị không dùng thuốc bổ sung, để giảm nguy cơ tim mạch và kiểm soát huyết áp ở những bệnh nhân bị huyết áp cao; đồng thời khuyến cáo bệnh nhân nên cố gắng tập thể dục, giảm căng thẳng để kiểm soát bệnh tăng huyết áp và bệnh tim mạch dưới bất kỳ hình thức nào mà họ thấy hấp dẫn nhất.
Yoga có thể giúp giảm huyết áp…
3. Cách yoga cải thiện huyết áp
Theo các tác giả, việc cải thiện huyết áp của yoga là do tác dụng làm giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, giảm nồng độ cortisol và thúc đẩy quá trình giãn mạch.
Tuyến thượng thận của chúng ta sản sinh ra hormone chiến đấu hoặc bỏ chạy. Hormone này làm tăng cả nhịp tim và huyết áp. Các bài tập yoga cụ thể có thể làm giảm mức cortisol - một loại hormone gây căng thẳng, do đó làm giảm huyết áp. Tập thể dục kết hợp với yoga có thể giúp điều chỉnh các hormone này./.
BS. Tăng Mạnh Hoạt/SK&ĐS