Tiếng Việt | English

10/07/2015 - 15:20

18 y bác sĩ phơi nhiễm HIV: Kẻ khen, người chê!

Nếu thầy thuốc nghĩ đến việc an toàn cho mình thì bệnh nhân sẽ chết. Và trong tình huống này, họ đã hành động theo bản năng của người thầy thuốc.

“Khẩn cấp cứu người, bác sĩ có nghĩ cho bản thân?”. Câu trả lời của nhiều bác sĩ là “Không”. Bởi lúc nguy kịch, tính mạng bệnh nhân “ngàn cân treo sợi tóc” thì đích hướng tới duy nhất của những người thầy thuốc là giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.


Bệnh nhân H đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản đưa từ cõi chết trở về

Trong trường hợp 18 y bác sĩ và 1 học viên ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao không làm test nhanh HIV cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật để đến nỗi 19 người trong một bệnh viện bị phơi nhiễm HIV với một lý do rất đơn giản? Những bác sĩ tham gia ca mổ cấp cứu đã bị đặt trong một tình huống đặc biệt, họ không còn thời gian để mặc thêm những bộ áo và đeo kính phòng vệ cho bản thân hay đưa bệnh nhân lên phòng phẫu thuật. Ca mổ đã diễn ra ở ngay phòng cấp cứu. Với những bác sĩ trong tình huống này đúng là “Cứu người như cứu hỏa”.

Khi vào bệnh viện, có nghĩa là gia đình và người bệnh đã gửi gắm toàn bộ niềm tin, sinh mạng của bệnh nhân cho các y, bác sĩ. Các y, bác sĩ trong kíp trực cấp cứu bệnh nhân NTH đã nghĩ gì trong đầu? Họ chỉ nghĩ sự sống của người phụ nữ kia đang nằm trong tay mình, một tích tắc chậm chạp, e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của họ. Và họ đã hành động theo bản năng người thầy thuốc.

Trước một người bệnh đang “ngáp cá” chỉ ít phút nữa là tử vong (không đo được huyết áp, không đo được mạch, da trắng nhợt, tim đập rời rạc thì thầy thuốc không thể đợi để đi găng, đi ủng… được. Nếu thầy thuốc nghĩ đến việc an toàn cho mình thì bệnh nhân sẽ chết. Bệnh nhân được cứu sống là nhờ bản năng nghề nghiệp và tinh thần quả cảm của thầy thuốc.

“Khẩn cấp cứu người, bác sĩ có nghĩ cho bản thân?” – nhắc lại câu hỏi này một lần nữa để muốn nói rằng, quên mình cứu người nhưng không thể bỏ qua những nguyên tắc sơ đẳng, cơ bản nhất khi tác nghiệp, nhất là khi sự việc xảy ra trong bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại. Nhiều người cho rằng, sai sót nhỏ này có thể chấp nhận được nếu chỉ 1-2 người trong ca mổ đó mắc phải. Đằng này có tới 19 người cùng phạm vào một lỗi rất sơ đẳng của ngành y.

Đã có lần, một phụ nữ có H vì bị lây nhiễm trong quá trình chăm sóc em trai nghiện ma túy, đã đặt tình huống: Nếu đi trên đường gặp một người bị tai nạn giao thông, máu chảy bạn có sẵn sàng sơ cứu cho họ không? Nếu sợ bị lây nhiễm HIV chắc chắn nhiều người sẽ không cứu người bị nạn, vì trong trường hợp này không thể có ngay bao tay cao su. Bạn có thể sử dụng một vật cách ly để tay mình không tiếp xúc trực tiếp với máu người bệnh. Bạn nên nhớ, bạn có thể lây nhiễm HIV ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Nhưng không vì lẽ đó mà bạn thờ ơ, vô cảm với mọi tình huống xảy ra quanh mình.

Hiện nay, cả nước có hàng trăm nghìn bệnh nhân HIV/AIDS, chưa kể những người chưa được phát hiện và không biết mình mắc bệnh. Điều này có nghĩa, nguy cơ phơi nhiễm HIV “rình rập” các bác sĩ ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Cũng vì thế mà dù trong bất kỳ tình huống nào bác sĩ cũng phải có phương án bảo vệ lây nhiễm cho chính mình. Đặc biệt, khi hiện nay không chỉ mỗi bệnh HIV mà còn nhiều bệnh dịch nguy hiểm khác như SARS, Mers-CoV, viêm gan virus… càng cần những người làm ngành y phải cẩn trọng hơn trong công việc của mình. Và có ai dám chắc lại không có một tình huống hy hữu xảy ra: Bệnh nhân bị lây nhiễm HIV từ bác sĩ? Vì thế, khi chăm sóc điều trị bệnh nhân, cán bộ y tế phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh.

Câu chuyện bác sĩ lây nhiễm HIV từ bệnh nhân không phải là hiếm, lạ. Và mỗi trường hợp nhiễm bệnh lại ở trong hoàn cảnh, tình huống khác nhau, không ai giống ai. Và lần này trường hợp của 19 y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lại càng không giống bất kỳ ai. Những người trong cuộc và nhiều người cho rằng đây là tình huống bất khả kháng.

Thế nhưng, luồng ý kiến khác cho rằng, đây chỉ là sự ngụy biện. Vì bất kỳ công việc gì cũng phải có nguyên tắc khi hành nghề, đặc biệt là trong ngành y thì chuyện phòng, tránh lây nhiễm HIV từ người bệnh sang bác sĩ không phải là kiến thức mới mẻ, mà phải là ý thức thường trực trong mỗi hành động, việc làm của bác sĩ ở bệnh viện.

Trong lúc vấn đề y đức bị nhiều người kêu ca, phàn nàn vì nhiều vụ việc xảy ra đã làm hoen ố thanh danh, uy tín của đại đa số những người làm nghề y đang ngày đêm trăn trở vì sức khỏe nhân dân... Những vụ việc như “nhân bản” kết quả xét nghiệm; bác sỹ đánh nhau với đồng nghiệp ngay khi đang thực hiện ca mổ cho bệnh nhân hay bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng và những vụ sách nhiễu, làm khó bệnh nhân… đã khiến không ít những người làm ngành y phiền lòng.

Câu chuyện xảy ra ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khiến nhiều người xúc động vì sự hy sinh, sẵn sàng lăn xả cứu người bệnh ở mọi nơi, mọi lúc (vì ca mổ diễn ra ngay phòng cấp cứu). Những y bác sĩ này đã coi việc cứu chữa tính mạng, sức khỏe người bệnh lên trên hết.

Phải chờ 6 tháng nữa mới biết chính xác các y bác sĩ này có bị nhiễm HIV hay không nhưng vãn hồi những người làm ngành y sẽ có những kinh nghiệm riêng cho mình. Còn phía người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng cần có trách nhiệm, cộng tác chặt chẽ với bác sĩ khi khám, chữa bệnh./.

An Nhi/VOV.VN

Chia sẻ bài viết