Tiếng Việt | English

10/07/2015 - 04:42

Từ vụ 18 y bác sĩ phơi nhiễm HIV: Phải làm gì sau phơi nhiễm HIV?

BS Mai Xuân Phương, Bộ Y tế tư vấn: Điều trị ARV phải được tiến hành sớm từ 2 - 6 giờ sau khi bị phơi nhiễm, không nên điều trị muộn sau 72 giờ.

Liên quan đến sự việc 18 nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có nguy cơ bị phơi nhiểm HIV, sau khi cấp cứu một ca bệnh đặc biệt, chiều qua (9/7), ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, hiện đã có kết quả xét nghiệm đối với các nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV.

18 nhân viên y tế tại BV Phụ sản Hà Nội âm tính với HIV

Theo đó, các kết quả xét nghiệm đều âm tính với HIV. Tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu, nhưng theo ông Tuấn, sau khoảng 20 ngày nữa, Bệnh viện và Trung tâm sẽ tiến hành xét nghiệm lại để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không.

Về cá nhân, ông Tuấn cho biết, nguy cơ nhiễm là rất thấp. Bản thân bác sĩ phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân đều thực hiện đúng các quy định về khi tiếp xúc và phẫu thuật cho bệnh nhân. “Hiện tại, tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu là âm tính với HIV, nhưng các y bác sĩ vẫn tiếp tục được chỉ định uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV”, ông Tuấn nói.

Cùng ngày, TS Hoàng Đình Cảnh, Cục Phó Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, nguy cơ lây nhiễm HIV đối với các y, bác sĩ trong ca cấp cứu đặc biệt tại BV Phụ sản Hà Nội là rất thấp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho toàn bộ nhân viên y tế, Trung tâm phòng chống HIV Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã làm thủ tục cho các y bác sĩ uống thuốc kháng virus HIV.

Chiều 9/7 Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành biểu dương toàn bộ kíp cấp cứu cho bệnh nhân H. ngày 4/7.

Trước đó, ngày 4/7, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hằng, sinh năm 1979, ở Quảng Yên, Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị băng huyết, mất nhiều máu. Lập tức bệnh nhân được ép tim, hồi sức, xét nghiệm và tiến hành mổ cấp cứu để cắt hoàn toàn tử cung ngay tại khoa cấp cứu.

Cách xử trí sau phơi nhiễm HIV

Bước 1: Xử lý vết thương tại chỗ

-Xối ngay vết thương dưới vòi nước.

-Để vết thương chảy máu trong một thời gian ngắn.

-Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch, sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javel 1/10, hoặc cồn 700) trong thời gian ít nhất 5 phút.

-Phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: Rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút.

-Phơi nhiễm qua miệng, mũi:

    +Rửa, nhỏ mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9%.

    +Súc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần.

Bước 2:

-Báo cáo người phụ trách và làm biên bản.

-Nêu rõ ngày giờ, hoàn cảnh xảy ra, đánh giá vết thương, mức độ nguy cơ của phơi nhiễm.

Bước 3:

Xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm.


Bước 4 : Xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm

-Thông báo cho bệnh nhân về sự việc, tư vấn và xét nghiệm HIV, VGB, VGC (có sự chấp thuận của bệnh nhân)

-Thu thập thông tin về nguy cơ nhễm bệnh gần đây (giai đoạn cửa sổ)

-Cân nhắc sử dụng test nhanh HIV – giảm sử dụng dự phòng nếu bệnh nhân nguồn có HIV (-)

-Nếu bệnh nhân nguồn nhiễm HIV, xác định giai đoạn nhiễm HIV, liệu pháp ARV đã và đang được dùng (khả năng kháng thuốc)

Bước 5: Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm

*Nguy cơ cao:

-Tổn thương qua da sâu, chảy nhiều máu do kim nòng rỗng cỡ to.

-Tổn thương qua da sâu, rộng chảy máu nhiều do dao mổ hoặc các ống nghiệm chứa máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bị vỡ đâm phải.

-Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét rộng từ trước.

*Nguy cơ thấp:

-Tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít.

-Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào niêm mạc không bị tổn thương viêm loét.

* Không có nguy cơ: Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành.

Tư vấn cho người bị

-Nguy cơ nhiễm HIV, viêm gan B, C

-Các triệu chứng gợi ý bị tác dụng phụ của thuốc và nhiễm trùng tiên phát: sốt, phát ban, buồn nôn hoặc nôn, thiếu máu, nổi hạch...

-Phòng lây nhiễm cho người khác: người bị phơi nhiễm có thể làm lây truyền HIV cho người khác dù xét nghiệm HIV âm tính (thời kỳ cửa sổ), vì vậy cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm.

Điều trị dự phòng bằng ARV cho người bị.

*Chỉ định:

-Phơi nhiễm không có nguy cơ: Không cần điều trị

-Phơi nhiễm nguy cơ thấp: chỉ tiến hành điều trị khi nguồn gây phơi nhiễm có HIV(+) và người bị phơi nhiễm có HIV(-).

-Phơi nhiễm có nguy cơ cao:

    +Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm và xét nghiệm nguồn gây phơi nhiễm. Ngừng điều trị nếu nguồn gây phơi nhiễm có xét nghiệm HIV âm tính.

    +Điều trị ARV phải được tiến hành sớm từ 2 - 6 giờ sau khi bị phơi nhiễm, không nên điều trị muộn sau 72 giờ.

Phác đồ điều trị ARV sau phơi nhiễm nghề nghiệp:

Thu Thủy/VOV.VN

Chia sẻ bài viết