Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Hạnh Nguyễn
Nhiều lời khai mâu thuẫn của bị hại
Ngày 26/5, Tòa án Quân sự khu vực 2 (Quân khu 9) đã đưa ra xét xử vụ án ngư dân “bắt giữ người trái pháp luật” và “cố ý gây thương tích” trên vùng biển Kiên Giang.
Theo cáo trạng, ngày 02/7/2016 lực lượng Đồn biên phòng Xẻo Nhàu phối hợp cùng công an huyện, huyện đội An Minh, theo kế hoạch, đã “trưng dụng” tàu ốc KG-94776TS của ông Liên Văn Cường Em (ngụ xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) để đi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên vùng biển huyện An Minh do Đồn Biên phòng Xẻo Nhàu quản lý.
Đại diện phía Đồn biên phòng Xẻo Nhàu trong đoàn kiểm tra gồm các ông Nguyễn Hoàng Quân, Ngô Văn Lẹ; Hoàng Việt Dũng; Phạm Hoàng Đáo và Trương Văn Sơn. Phía Công an, huyện đội huyện An Minh có 4 cán bộ gồm Châu Quốc Cường, Phạm Văn Chưng; Phạm Văn Thông và Phan Chúc Ly.
Khoảng 17h ngày 02/7/2016, từ vàm Kim Quy (xã Vân Khánh) đoàn xuất phát đi tuần tra trên chiếc tàu ốc do ông Được Em làm tài công, trên tàu còn có 2 thủy thủ khác đi cùng.
Đến khoảng 20h30 tối cùng ngày, đoàn kiểm tra phát hiện trên vùng biển thuộc huyện An Minh có từ 70 đến 80 tàu hành nghề cào nên phát tín hiệu kiểm tra. Tuy nhiên, một số tàu đã không chấp hành mà bỏ chạy.
Sau đó, đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra các tàu KG-1801TS của ông Mai Văn Chiến (ngụ huyện Kiên Hải), tàu KG-62091TS của ông Kiều Văn Trúc; tàu KG-93779TS của ông Lê Văn Doanh và phát hiện các tàu này có lỗi vi phạm như không có giấy phép khai thác hải sản, thiếu bằng thuyền trưởng, máy.
Tổ công tác đã thu giữ số thuyền viên các tàu trên và hẹn sáng hôm sau vào đồn Biên phòng Kim Quy để giải quyết.
Ông Trúc, Doanh sau đó đã phát bộ đàm thông báo sự việc cho các tàu khác đang đánh bắt. Nhận được tin, hai ông Thái Quốc Xuyên và Danh Lượng phát thông báo qua một tần số điện đàm khác yêu cầu các tàu rút lưới cào lên và truy đuổi theo tàu ốc của Cường Em nhằm mục đích lấy lại giấy tờ.
Lúc này, ông Hà Văn Hòa điều khiển tàu KG-6606TS cùng một số tàu khác đuổi theo tàu ông Cường Em đang chạy về hướng đồn Biên phòng Kim Quy. Do nghe được thông báo truy đuổi của các tàu, cán bộ biên phòng Nguyễn Hoàng Quân ra lệnh cho ông Cường Em tăng tốc bỏ chạy.
Tuy nhiên, khoảng 1 giờ sau thì tàu của ông Hòa đuổi kịp đâm va, cập mạn ép tàu của ông Cường Em quay đầu ra biển, đồng thời nhiều người trên tàu ông Hòa còn dùng vật cứng ném sang tàu chở tổ tuần tra.
Đúng lúc đó, tàu KG-61653TS của ông Nguyễn Trọng Sơn cũng đuổi kịp và cập mạn tàu của Cường Em. Một số thuyền viên trên tàu của Hòa, Sơn nhảy sang tàu chở tổ tuần tra, đồng thời ông Hòa cầm tuýp sắt nhảy sang đánh Cường Em vào đầu gây chảy máu.
Lúc này, Phạm Văn Chưng hô to “Tôi là công an!” và bị Hòa hỏi lại “Công an ra đây làm gì!” rồi dùng ống bơm đánh 1 cái vào chân Chưng.
Ông Hòa và Sơn chia tổ tuần tra ra làm 2 nhóm thay nhau chở ra hướng biển để “tính tiếp”. Tổ tuần tra cùng nhóm thủy thủ của Cường Em sau đó bị chia ra cho các tàu của Danh Lượng, Thái Quốc Xuyên; Nguyễn Khắc Hùng; Lê Ngọc Thực; Nguyễn Văn Cường; Kiều Viết Đoái; Thái Văn Tuyên; Lê Văn Cảnh giữ và lần lượt chở vào hướng thị xã Hà Tiên.
Tổ tuần tra cùng nhóm thủy thủ được bàn giao lại cho cơ quan chức năng vào ngày 03/7/2016.
Tuy nhiên, khai với cơ quan điều tra trước đó, bị hại Cường Em cho rằng bản thân ông chỉ thấy ông Hòa cầm tuýp sang tàu ông chứ không biết người nào đánh. Còn tại phiên tòa, bị hại Cường Em lại cho rằng chính ông Hòa cầm tuýp sắt nhưng không rõ là loại gì đánh ông 3 cái.
Khi luật sư bào chữa cho các bị can chất vấn điều này, bị hại Cường Em cho rằng lời khai ban đầu là khai đại để tranh thủ nghỉ ngơi cho khỏe.
Tương tự, bị hại Chúc Ly trước đó khai với cơ quan điều tra rằng thấy ông Hòa cầm tuýp sắt đánh vào trán Cường Em gây chảy máu. Thế nhưng tại phiên tòa bị hại Chúc Ly cho biết không thấy ông Hòa đánh mà chỉ thấy ông này vào cabin tàu của ông Cường Em. Sau đó đầu ông Cường Em chảy máu.
Trả lời chất vấn, bị hại Chúc Ly còn khẳng định cả 2 lời khai tại tòa và với cơ quan điều tra là đúng.
Hung khí gây án sau 2 tháng mới được thu giữ
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng đưa ra hàng loạt tình tiết bất thường trong vụ án. Theo đó, kế hoạch tuần tra phối hợp liên ngành được ban hành vào ngày nghỉ Tết Dương lịch (ngày 01/01/2016), khi phối hợp tuần tra theo kế hoạch nhưng tổ công tác lại không có phương tiện di chuyển mà phải đi thỏa thuận miệng với bị hại Cường Em.
Đồng thời, luật sư bào chữa và bị cáo còn cho rằng tổ tuần tra kiểm tra các tàu của ngư dân không công bố quyết định khi tiến hành kiểm tra phương tiện. Các bị cáo cũng không thừa nhận hành vi bắt giữ người mà cho biết chỉ chia nhỏ tổ công tác để chở vào thị xã Hà Tiên.
Luật sư bào chữa còn chỉ ra rằng, tang vật vụ án là ống bơm tròn bằng inox mà CQĐT thu giữ và đưa đi giám định là một ống bơm được thu giữ sau khi khám nghiệm hiện trường đến 2 tháng.
Đặc biệt, bị cáo Hòa cũng không thừa nhận hành vi đánh bị hại Cường Em và cũng không thừa nhận chiếc ống bơm mà CQĐT thu giữ là vật ông dùng để đánh Cường Em.
Đối đáp tại tòa, cán bộ biên phòng Nguyễn Hoàng Quân cho biết tổ công tác thực hiện theo kế hoạch tuần tra thường xuyên của UBND huyện An Minh. Tuy nhiên, ngày ký ban hành kế hoạch là ngày bao nhiêu ông không nhớ rõ.
Về việc dùng phương tiện của ông Cường Em để tuần tra, ông Quân cho rằng bản thân ông không thuê, tổ tuần tra chỉ nói miệng để ông Cường Em chở đi.
Còn bị hại Cường Em cũng thừa nhận hôm xảy ra vụ việc không biết chở tổ công tác đi đâu và làm gì, chỉ biết nghe theo sự chỉ đạo.
Vì vậy, luật sư bào chữa cho rằng lời khai của bị hại có nhiều mâu thuẫn, sai lệch ở từng thời điểm, cùng với sự phủ nhận của bị cáo Hòa về chiếc ống bơm tang vật gây thương tích nhưng HĐXX vẫn bỏ qua những tình tiết này.
Do đó, đề nghị HĐXX không truy tố bị cáo Hòa về tội “cố ý gây thương tích”. Đồng thời đề nghị chỉ truy tố các bị cáo tội “giữ người trái pháp luật”.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hòa 24 tháng tù giam về hành vi “cố ý gây thương tích”, 18 tháng tù giam về hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”.
Còn lại các bị cáo Sơn, Hùng, Tuyên bị tuyên án 18 tháng tù giam cho mỗi bị cáo; Lượng, Thực, Đối và Cường 15 tháng tù giam cho mỗi bị cáo; Xuyên và Cảnh 12 tháng tù giam cho mỗi bị cáo cùng về hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”.
Đồng thời HĐXX buộc các bị cáo bồi thường cho bị hại Cường Em tổng số tiền gần 27 triệu đồng./.
Ghe cào Hà Tiên lại bắt giữ công an, chiến sĩ biên phòng Cập Nhật 03-07-2016 Chiều 3/7, đại tá Hồ Tú Điền - phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Kiên Giang - cho biết vẫn còn hai người trong đoàn kiểm tra tại huyện An Minh bị các ghe cào bắt giữ vào tối hôm trước chưa vào tới đất liền. |
Hạnh Nguyễn/tuoitre online