Bên cạnh các giải pháp trị liệu, nhiều chiến lược tức thời sẽ hữu ích để đối phó với căng thẳng - Ảnh: Getty
Chúng ta chỉ có thể phớt lờ cảm giác căng thẳng trong một thời gian rồi sau đó sẽ cảm thấy trống rỗng, bất lực và tê liệt. Các hormone gây căng thẳng sẽ chồng chất và trước khi nhận ra điều đó, tinh thần chúng ta đã kiệt quệ.
Thực hành lòng biết ơn thường xuyên qua suy ngẫm, viết nhật ký hoặc chia sẻ suy nghĩ của bạn với bạn bè là điều nghiên cứu cho thấy sẽ tạo ra cảm giác hạnh phúc hơn.
Cùng với các giải pháp như trị liệu, nhiều chiến lược tức thời cũng sẽ hữu ích để đối phó với căng thẳng. Thời gian qua, tìm kiếm trên Google với cụm từ "10 phút giảm căng thẳng" đã tăng hơn 200% tại Hoa Kỳ. Dưới đây là năm cách thực hành đơn giản bạn có thể tập:
1. Hít một hơi thật sâu. Khi thấy căng thẳng ập đến, hãy chậm lại một chút và tập trung vào hơi thở. Tìm một nơi thoải mái để ngồi, từ từ hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Lặp lại hành động này nhiều lần, loại bỏ mọi căng thẳng với mỗi lần thở ra, bạn sẽ thấy bình tĩnh hơn.
2. Tập thể dục nhẹ nhàng, tránh cường độ cao. Việc tập luyện cường độ cao tốt cho thể chất nhưng có thể làm tăng hormone gây căng thẳng và phản tác dụng. Thay vào đó, hãy chọn bài tập nhẹ nhàng giúp đầu óc thư thái hơn như yoga, đi bộ để giảm căng thẳng, xoa dịu lo lắng.
3. Thử thư giãn cơ liên tục. Khi căng thẳng hoặc lo lắng, cơ bắp của chúng ta có xu hướng căng lên. Nên nếu thư giãn cơ thể, chúng ta cũng có thể thư giãn tâm trí. Thư giãn cơ liên tục là kỹ thuật liên quan đến việc căng và thả cơ theo một thứ tự cụ thể để giảm căng thẳng. Bài tập này làm chậm nhịp thở, giảm huyết áp, nhịp tim, giúp bạn bình tĩnh hơn và chỉ mất khoảng 10 phút.
4. Hãy nở một nụ cười. Một trong những lợi ích đáng ngạc nhiên của việc mỉm cười là thực sự ảnh hưởng đến chúng ta ở mức độ sinh học. Mỉm cười ngay cả khi bạn không muốn cười lập tức kích hoạt não của bạn, giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác dễ chịu như dopamine, endorphin và serotonin giúp cải thiện tâm trạng.
Mỉm cười cũng là cách giảm căng thẳng, giảm huyết áp và tăng cường hệ thống miễn dịch mà không cần dùng thuốc. Khi cảm thấy tốt hơn, chúng ta ít lo lắng hơn, có góc nhìn mới và làm việc hiệu quả hơn.
5. Hình dung sự bình an và biết ơn. Khi cảm thấy căng thẳng, hãy thử nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang ở một nơi yên bình, hạnh phúc. Hãy hình dung ra địa điểm, âm thanh và mùi vị, đồng thời cho phép bản thân đắm chìm hoàn toàn vào trải nghiệm này.
Khoa học gợi ý rằng việc hình dung ra một môi trường thư giãn giúp cơ thể phản ứng như thể nó đang ở đó, sản sinh ra các hormone giúp thư giãn và giảm căng thẳng.
Theo Forbes, một khảo sát gần đây cho thấy 80% người Mỹ cảm thấy căng thẳng trong công việc, tới 1/3 trong số đó nói rất nghiêm trọng.
Và hơn 70% thừa nhận căng thẳng cực độ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của họ./.
Theo TTO