Tiếng Việt | English

20/08/2023 - 14:25

5 hiểu lầm về mạng 5G

Mạng 5G được đánh giá cao về tính ứng dụng cũng như tiềm năng khai thác, tuy nhiên trên internet vẫn lan truyền nhiều "thuyết âm mưu" được không ít người tin khi nói về công nghệ này.

Mạng 5G gây vấn đề sức khỏe

Một trong những lời đồn thổi tồn tại sớm nhất về mạng 5G là rủi ro gây ra những chứng bệnh nghiêm trọng đối với con người. Nguyên nhân của niềm tin này bắt nguồn từ thực tế 5G hoạt động ở phổ tần cao hơn so với công nghệ 4G, dẫn đến lo ngại về các vấn đề tiềm ẩn liên quan đến sóng bức xạ.

Nhưng thực tế, 5G cũng giống như nhiều công nghệ không dây khác (ví dụ các công nghệ mạng 2G, 3G, 4G, mạng Wi-Fi...) phát sóng bức xạ không ion hóa. Loại sóng này không đủ sức gây hại cho các thông tin di truyền quy định hoạt động sống của sinh vật (ADN) và khác với loại bức xạ ion hóa như tia X hay vật liệu nguyên tử. Nhiều tổ chức y tế, khoa học trên thế giới, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ủy ban quốc tế về bảo vệ bức xạ không ion hóa (ICNIRP) đều khẳng định công khai rằng 5G vận hành trong tần số an toàn cho phép đối với sức khỏe của con người.

Chưa có bằng chứng cho thấy 5G gây tổn hại đến sức khỏe con người

Vấn đề bức xạ ion hóa cũng tách biệt với nhiệt sinh ra từ sóng điện từ (sóng vô tuyến). Lấy ví dụ lò vi sóng (trong gia đình), sử dụng sóng điện từ cao tần làm các phân tử nước chuyển động liên tục, từ đó làm nóng món ăn nhưng không hề ion hóa sóng. Một số người có thể quan tâm tới vấn đề phát nhiệt khi để điện thoại 5G gần người, nhưng ngoài chuyện sử dụng sóng, còn một yếu tố khác là công suất mới có thể tạo ra nhiệt lượng. Lò vi sóng sử dụng điện năng khoảng 1.000W, trong khi năng lượng phát ra từ điện thoại 5G chỉ ở mức miliwatt.

Ngoài ra, sóng vô tuyến tuân theo định luật bình phương nghịch đảo đối với bức xạ điện từ, trong đó cường độ của bức xạ đó tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách. Nói cách khác, người dùng ở quá xa so với các trạm phát sóng 5G để chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ năng lượng có trong sóng.

Tạp chí Nature từng xem xét hơn 100 tài liệu thử nghiệm các tác động tiêu cực của mạng 5G đến sức khỏe con người nhưng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh được nghi ngờ này.

5G chỉ là mạng internet có tốc độ cao

Không thể phủ nhận 5G mang đến chất lượng tải/đăng nội dung trên internet với tốc độ cao hơn nhưng đó chưa phải tất cả. Việc chỉ gắn 5G với "tốc độ internet nhanh hơn" đang đơn giản hóa những tác động của công nghệ này đến nhiều khía cạnh khác nhau của lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số.

Công nghệ 5G hoạt động cả trên tần số thấp, giúp giảm độ trễ từ khi chuyển đến lúc nhận dữ liệu. Đây là bước đột phá quan trọng trong nhiều ngành khác nhau, từ gaming - lĩnh vực giải trí nơi mỗi mili giây chậm hơn đều có thể thay đổi kết quả, tới hỗ trợ các ứng dụng theo thời gian thực như phẫu thuật từ xa, khai thác mỏ, xe tự lái... Thêm vào đó, mạng 5G được thiết kế để kết nối cùng lúc đến nhiều thiết bị hơn, yếu tố rất quan trọng trong thời kỳ internet kết nối vạn vật (IoT).

Nói tóm lại, phát triển mạng 5G là điều tuyệt vời đối với những người có nhu cầu sử dụng kết nối internet nhanh hơn, nhưng tính ứng dụng thực tế còn xa hơn nữa và có thể xem như bước nhảy vọt đáng kể trong công nghệ không dây.

Mạng 5G sẽ thay thế Wi-Fi

5G có rất nhiều tính ứng dụng và có thể thay thế internet tại nhà trong một số trường hợp, nhưng để thay hoàn toàn công nghệ Wi-Fi hiện nay thì không. Lý do đầu tiên phải kể đến là chi phí. Các gói cước 5G ngày càng rẻ và phổ biến hơn nhưng vẫn chưa đủ để người dùng thỏa sức trải nghiệm internet như khi kết nối vào mạng Wi-Fi. Có lẽ còn mất nhiều năm nữa người dùng mới có cơ hội sử dụng gói cước di động mà không cần tính toán lượng dữ liệu tiêu thụ mỗi tháng, trong khi hy vọng giá Wi-Fi internet giảm.

Song song với sự phát triển của mạng viễn thông di động, công nghệ Wi-Fi cũng đạt được bước tiến riêng. Mới đây, chuẩn Wi-Fi 6 và 6E đã đạt tốc độ ngang 5G khi thử nghiệm trong khu vực nhỏ. Wi-Fi 7 hứa hẹn hiệu năng tương đương với công nghệ mạng có dây hiện nay. Do đó, trừ trường hợp 5G phủ sóng tất cả mọi nơi và nhà mạng tung gói cước dữ liệu siêu rẻ, nếu không Wi-Fi vẫn là lựa chọn số một.

Không thể sử dụng 5G ở sân bay

Phi cơ hãng American Airlines bay qua trạm phát sóng viễn thông khi chuẩn bị hạ cánh tháng 1.2022

Có một sự hiểu lầm rất lớn về 5G tại các sân bay khi cho rằng mạng di động sẽ gây nhiễu thiết bị đo độ cao vô tuyến trong máy bay. Đối với những lo ngại về vấn đề này, các cơ quan quản lý như FCC (Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ), FAA (Cục Hàng không liên bang Mỹ) đang phối hợp với toàn ngành hàng không cũng như lĩnh vực phát triển công nghiệp không dây nhằm đảm bảo mạng 5G và dịch vụ hàng không có thể cùng tồn tại và an toàn lẫn nhau.

Tại Mỹ, lộ trình còn nhiều trở ngại nhưng cũng đã có kế hoạch cụ thể. FAA cho rằng một số máy bay cần sử dụng bộ lọc sóng vô tuyến đặc biệt cho máy đo độ cao, trong vài trường hợp sẽ cần thay thế. Chi phí sẽ không rẻ, nhưng sau khi máy bay và trang thiết bị tại sân bay được nâng cấp, người dùng có thể trải nghiệm kết nối 5G ở nhiều phi trường hơn.

Điện thoại 5G cần thiết từ bây giờ

Các nhà sản xuất smartphone liên tục tung ra thiết bị có kết nối mạng 5G nhưng sắm máy tương thích ngay lúc này là chưa cần thiết, trừ khi người dùng cuối đang sống trong khu vực phủ sóng 5G mạnh mẽ và đủ tiền mua điện thoại có hỗ trợ công nghệ này. Hiện tại chưa có nhiều ứng dụng thực sự được hưởng lợi từ tốc độ cũng như các tiện ích của 5G trên điện thoại. Và với đa phần người dùng, 4G đã đủ đáp ứng nhu cầu thường ngày.

Cảm giác phải có được smartphone 5G khi nhu cầu chưa tới và số lượng nhà mạng hỗ trợ còn ít chỉ là tâm lý FOMO (Sợ bỏ lỡ), có thể khiến người dùng phải chi số tiền lớn trong vô ích./.

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích