Tiếng Việt | English

14/09/2021 - 07:50

5 nhóm đối tượng tuyệt đối không được bỏ bữa sáng

Nhiều người thường bỏ qua bữa sáng với lý do khác nhau. Tuy nhiên, 5 nhóm đối tượng tuyệt đối không được bỏ bữa sáng: Trẻ em, người suy dinh dưỡng, người đau dạ dày, người có huyết áp thấp, người bị đái tháo đường.

Theo TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để bắt đầu ngày mới, bạn cần cung cấp năng lượng đầy đủ đảm bảo để cơ thể hoạt động cả ngày. Vậy nên, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất.

Một bữa ăn lành mạnh là bữa ăn cần đảm bảo đầy đủ 4 thành phần dinh dưỡng cơ bản: glucid, protein, lipid, chất xơ, ... Bữa sáng cũng cần đầy đủ các thành phần dinh dưỡng này.

Luôn ghi nhớ rằng, dù bất cứ lý do gì cũng không được bỏ bữa sáng kể cả đối với những người muốn giảm cân.

Dưới đây là lời khuyên của TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng đối với 5 nhóm đối tượng tuyệt đối không thể bỏ bữa ăn sáng.

TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia khám và tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhi (Ảnh chụp trước khi có dịch COVID-19)

1. Trẻ em không được bỏ bữa sáng

Cơ thể trẻ đang phát triển nên cần cung cấp đủ năng lượng và các vi chất dinh dưỡng. Trẻ không ăn sáng sẽ khó tập trung, nhanh mệt mỏi, dễ cáu kỉnh hơn. Chưa kể, hầu hết trẻ em không nhận được đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết chỉ từ bữa trưa và bữa tối.

Những thanh thiếu niên ăn sáng hằng ngày có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn so với những thanh thiếu niên không bao giờ ăn bữa sáng hoặc thỉnh thoảng ăn sáng.

Nếu con bạn không thể ăn sáng ở nhà, hãy gửi đồ ăn để trẻ có thể mang theo có thể ăn trên đường đến trường hoặc sau tiết học đầu tiên. Chọn trái cây, các loại hạt hoặc sữa và bánh mì.

Với trẻ thừa cân, béo phì cũng không được bỏ bữa sáng. Trẻ thừa cân, béo phì bỏ bữa sáng có nhiều khả năng ăn đồ ăn vặt trong ngày và bị thừa cân. Bởi khi nhịn ăn sáng, trẻ thừa cân, béo phì sẽ có cảm giác thèm ăn và đói cồn cào nên sẽ ăn nhiều hơn trong các bữa ăn trưa và ăn tối.

Trẻ không ăn sáng sẽ khó tập trung, nhanh mệt mỏi, dễ cáu kỉnh hơn khi ở trường.

2. Người bị đau dạ dày

Người bị đau dạ dày đã bị tổn thương dạ dày. Sau một đêm, lượng axit tiết ra nhiều. Nếu chỉ cần ăn trễ giờ hơn so với hằng ngày, axit tiết ra sẽ không có thức ăn để tiêu thụ dẫn tới những cơn đau dạ dày trầm trọng hơn

Người bị đau dạ dày nên hạn chế thức ăn có nhiều gia vị. Các loại gia vị có nhiều axit, tính nóng như: ớt, chanh, hạt tiêu không nên ăn; Không ăn nhiều các thực phẩm có nhiều dầu mỡ sẽ khó tiêu.

Người bị đau dạ dày không nên ăn uống đồ ăn lạnh hoặc nóng quá. Đồ ăn và thức uống lạnh hay nóng quá đều tăng co bóp, tăng tiết dịch dạ dày có thể làm trầm trọng hơn các tổn thương của dạ dày.

Đồ ăn sáng cho người bị đau dạ dày nên chọn những đồ ăn loãng, mềm, dễ tiêu, (cháo, súp, phở....).

Đồ ăn sáng cho người bị đau dạ dày nên chọn những đồ ăn loãng, mềm, dễ tiêu, (cháo, súp, phở....).

Người đau dạ dày nên thay đổi thói quen ăn uống. Nên nhai kỹ để thức ăn, không ăn vội. Thức ăn không nhai kỹ sẽ khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn, kéo dài thời gian lưu trữ thức ăn trong dạ dày dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày. Việc nhai chậm, nhai kỹ sẽ làm tăng tiết dịch tụy, làm dịch mật và axit hydrochloric giảm, tốt cho dạ dày.

Tránh hoạt động mạnh ngay sau khi ăn sáng để dạ dày tập trung tiêu hóa thức ăn. Nếu muốn thể dục sau khi ăn sáng, nên chờ ít nhất khoảng 30 phút sau ăn sáng mới  tập thể dục.

Vì vậy, người đau dạ dày nên ăn đúng giờ và cần xây dựng cho mình một thực đơn ăn sáng quen thuộc, phù hợp.

3. Người huyết áp thấp 

 Người huyết áp thấp thường đi kèm với triệu chứng đường huyết trong máu thấp, vì thế nên chế độ ăn uống cần tuân thủ khắt khe. 

Trong bữa ăn sáng, những người huyết áp thấp nên ăn sáng đầy đủ, không nên ăn nhiều muối hơn người bình thường.

Với người huyết áp thấp muốn giảm cân, sẽ khó hơn người bình thường nhưng tuyệt đối không được bỏ bữa sáng. Bỏ bữa sáng không giúp giảm cân mà ngược lại sẽ vẫn khiến bạn bị tăng cân. Lý do bởi, nếu bỏ bữa sáng, cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, người huyết áp thấp sẽ bị tăng các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu thậm chí ngất xỉu và vì thế sẽ ăn nhiều vào các bữa sau làm tăng lượng mỡ thừa trong cơ thể.

Người huyết áp thấp thường đi kèm với triệu chứng đường huyết trong máu thấp, vì thế nên chế độ ăn uống cần tuân thủ khắt khe.

Do đó, người bị huyết áp thấp khi muốn giảm cân, cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ và vẫn luôn cần ăn bữa sáng đầy đủ với các thành phần dinh dưỡng, nhưng cần chú ý kiểm soát lượng chất béo, tinh bột, nên đa dạng thực phẩm, có thể thây đổi như sau: không sử dụng cơm có thể thay bằng phở, bún, khoai lang, bánh mỳ…

4. Người suy dinh dưỡng

Người suy dinh dưỡng có lượng dinh dưỡng (đạm, đường, chất béo, canxi, iod.... ) thấp hơn người bình thường. Người suy dinh dưỡng nếu bỏ bữa sáng sẽ khó có thể cung cấp đủ năng lượng, vi chất, từ đó có thể đẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng trở nên trầm trọng, khó cải thiện hơn.

Nhịn ăn sáng tăng nguy cơ hạ đường huyết, làm cho việc kiểm soát đường huyết không tốt trong ngày đối với người bệnh đái tháo đường type 2.

5. Người bị đái tháo đường không được bỏ bữa sáng

Nhịn ăn sáng tăng nguy cơ hạ đường huyết, làm cho việc kiểm soát đường huyết không tốt trong ngày đối với người bệnh đái tháo đường type 2. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, nếu ăn sáng trước 8h30 cơ thể sẽ điều tiết lượng insulin và giữ đường huyết ổn định tốt hơn.

Người bị đái tháo đường không nên bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng, nên ăn tối thiểu 3 bữa/ngày và ăn ổn định lượng chất bột đường cho từng bữa, từng ngày sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt và hạn chế tối đa biến chứng do bệnh gây ra./.

Theo SK&ĐS

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích