1. Luật Đặc xá năm 2018
Luật Đặc xá năm 2018 có 39 điều quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá. So với Luật Đặc xá năm 2007, Luật Đặc xá 2018 đã bổ sung thêm 16 tội danh không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án phạt tù như: Tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân;...
Bên cạnh đó, Luật Đặc xá năm 2018 cũng bổ sung trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với phần bản án hoặc quyết định của tòa án đối với người đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu trường hợp giám đốc thẩm, tái thẩm mà theo hướng giảm nhẹ hoặc giữ nguyên trách nhiệm hình sự vẫn được quyền đề nghị đặc xá.
2. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm 10 chương, 96 điều, quy định chi tiết về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
So với luật hiện hành, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có nhiều điểm mới, đáng chú ý. Đặc biệt, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã mở rộng và cụ thể các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên. Trong khi đó, luật hiện hành chỉ quy định nghĩa vụ này đối với một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, những trường hợp phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu HĐND.
Học sinh, sinh viên có nhiều lựa chọn trường đại học khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018 sẽ không phân biệt hình thức đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên - Ảnh: Ngọc Thạch
3. Luật giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018
Luật Giáo dục Đại học năm 2018 quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.
Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018 có nhiều điểm mới so với trước đây. Trong đó, đáng chú ý là việc gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành đại học lớn; khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục. Nếu như trước đây quy định, thạc sĩ là trình độ chuẩn đối các giảng viên đại học thì nay, luật mới quy định đây chỉ là trình độ tối thiểu của các giảng viên, trừ trợ giảng.Các trường đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên.Giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải có trình độ tiến sĩ.
Đặc biệt, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018 sẽ không phân biệt hình thức đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên. Trước đây, luật quy định rõ giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, nhưng tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã bãi bỏ hai quy định này và thay vào đó chỉ quy định cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Theo đó, các trường thực hiện quyền tự chủ, có trách nhiệm giải trình theo quy định và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ này.
4. Luật Công an nhân dân năm 2018
Luật Công an nhân dân năm 2018 gồm 12 chương, 46 điều, quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo Luật Công an nhân dân năm 2018, thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân giảm từ 36 tháng theo quy định trước đây xuống còn 24 tháng tương đương với việc công dân tham gia phục vụ nghĩa vụ quân sự. Trong trường hợp để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, bệnh dịch, cứu nạn, cứu hộ thì Bộ trưởng Bộ Công an có quyền quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 6 tháng.
Ngoài ra, theo quy định tại Luật Công an nhân dân năm 2018 thì tuổi của sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng không quá 57 tuổi. Về hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với Hạ sĩ quan là 45 tuổi; Cấp úy: 53 tuổi; Thiếu tá, Trung tá: 55 tuổi với nam, 53 tuổi với nữ; Thượng tá: 58 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ; Đại tá: 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ; Cấp tướng: 60 tuổi. Trường hợp sĩ quan Công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ hơn 60 tuổi với nam và hơn 55 tuổi đối với nữ.
5. Luật Cạnh tranh năm 2018
Luật Cạnh tranh năm 2018 với 10 chương và 118 điều quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Đáng chú ý trong Luật Cạnh tranh năm 2018 có một số điểm mới, được bổ sung như nguyên tắc cạnh tranh công bằng và lành mạnh trong quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh; các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến cạnh tranh của cơ quan nhà nước; quy định về cách thức xác định thị phần và thị phần kết hợp; hành vi thỏa thuận cạnh tranh; thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm;... Ngoài ra, Luật Cạnh tranh năm 2018 còn sửa đổi quy định về tập trung kinh tế bị cấm khi doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
6. Luật Cảnh sát biển năm 2018
Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 được Quốc hội ban hành ngày 19-11-2018 và sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01-7-2019, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được phép dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát trong những trường hợp sau: Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật; có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật và trường hợp người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp: Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền; thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 cũng quy định chi tiết các trường hợp Cảnh sát biển Việt Nam được phép nổ súng trong quá trình thi hành nhiệm vụ.
Ngoài 6 luật sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01-7-2019 tới thì trong công tác lập pháp, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc, Quốc hội cũng chính thức thông qua 7 luật mới gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Giáo dục; Luật Thi hành án hình sự; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý thuế; Luật Kiến trúc và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ./.
Kiên Định