Tiếng Việt | English

28/08/2023 - 16:56

6 thực phẩm giúp giảm trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây nhiều biến chứng như loét, hẹp thực quản và tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Cảm giác nóng rát mà chúng ta cảm thấy ở ngực do ợ chua, trào ngược axit là do axit dạ dày di chuyển lên thực quản và để lại vị chua khó chịu trong miệng.

Với các triệu chứng bao gồm hơi thở có mùi hôi, giọng nói khàn và đau họng cũng như nấc cụt không khỏi... gây khó chịu cho người mắc.

Rất may, có khá nhiều cách giúp bạn giảm bớt các triệu chứng này và một trong những cách có lợi nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống.

Một số thực phẩm bạn cần phải tránh vì sẽ làm cho tình trạng thêm trầm trọng như: Sô cô la, hành tây, thực phẩm có tính axit và thịt đỏ… nhưng rất nhiều thực phẩm có thể giúp ích, hoặc ít nhất là không làm cho bệnh nặng hơn.

Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây nhiều biến chứng.

Dưới đây là một số thực phẩm có thể giúp giảm trào ngược dạ dày thực quản:

1. Ức gà giúp giảm trào ngược dạ dày thực quản

Ức gà nạc và chứa nhiều protein, ít chất béo và khá dễ tiêu hóa, là một cách tốt để giảm nồng độ axit trong dạ dày, mặc dù khi chế biến bạn cần loại bỏ da.

Ức gà ăn tốt nhất khi nướng hoặc luộc, vì chiên hay đồ chiên rán nói chung là một trong những tác nhân gây trào ngược axit.

2. Nước

Nước là đồ uống được lựa chọn tốt nhất nếu bạn bị trào ngược axit.

Đồ uống có đường, rượu và nước trái cây có tính axit... có thể gây kích ứng. Đồ uống có ga có thể gây đầy hơi và tăng ợ hơi… Tất cả những điều này đều làm trầm trọng bệnh. Do đó hạn chế hoặc tránh dùng các sản phẩm này.

3. Gừng

Các hợp chất phenolic trong gừng được cho là làm giảm kích ứng đường tiêu hóa và giảm bớt các cơn co thắt dạ dày. Do đó, làm giảm axit dạ dày trào ngược lên thực quản.

Gừng có thể được dùng bằng cách gọt vỏ, nạo, thái lát hãm nước uống trực tiếp hoặc dùng dưới dạng trà gừng…

Tuy nhiên không nên dùng quá 4 gam gừng trong vòng 24 giờ, vì có thể gây thêm chứng ợ nóng.

Một chút nước gừng có thể làm giảm trào ngược axit dạ dày.

4. Dưa hấu

Dưa hấu là loại trái cây khá phổ biến có hàm lượng axit thấp, không gây ra các triệu chứng ợ nóng.

Dưa hấu có thể ăn tiếp bằng cách cắt miếng hoặc nước ép. Ngoài ra, một số loại dưa có hàm lượng axit thấp cũng đều tốt cho người mắc trào ngược dạ dày thực quản.

5. Gạo lứt

Gạo lứt là một loại carbohydrate phức tạp, có nghĩa là cần nhiều thời gian để tiêu hóa hơn so với các loại carbs đơn giản như gạo trắng, bánh ngọt hoặc đồ uống có đường… Điều này rất tốt cho chứng trào ngược.

Chất xơ bổ sung trong gạo lứt so với gạo thông thường cũng có ích giảm chứng ợ nóng.

6. thực phẩm có tính kiềm

Thực phẩm có tính kiềm có thể giúp trung hòa axit trong dạ dày, giảm trào ngược.

Thực phẩm có tính kiềm bao gồm:

- Chuối
- Dưa
- Súp lơ
- Thì là
- Quả hạch…

Trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng:

- Loét thực quản: Axit dạ dày ăn mòn thực quản cho đến khi hình thành vết loét hở. Những vết loét này thường đau và có thể chảy máu và khó nuốt.

- Hẹp thực quản: Axit dạ dày làm tổn thương phần dưới của thực quản và hình thành mô sẹo. Mô sẹo này tích tụ gây hẹp bên trong thực quản và khó nuốt thức ăn.

- Barrett thực quản: Trào ngược axit làm thay đổi các tế bào trong mô lót thực quản. Lớp lót trở nên dày hơn và chuyển sang màu đỏ. Tình trạng này có liên quan đến nguy cơ ung thư thực quản cao hơn.

- Các vấn đề về phổi: Nếu trào ngược ở phía sau cổ họng, có thể gây kích ứng và đau, có thể đi vào phổi (hít vào), gây khàn giọng, ho kéo dài, tức ngực… làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi…

Theo SKĐS

Chia sẻ bài viết