Tiếng Việt | English

05/07/2018 - 05:04

60 tỉnh, thành chi vượt quỹ bảo hiểm y tế được sử dụng trong kỳ

Ước tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 81,59 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 86,9% dân số, trong đó, nhóm tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình gần 15,69 triệu người

Bệnh nhân được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ước tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 81,59 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 86,9% dân số, trong đó, nhóm tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình gần 15,69 triệu người, tăng 796.000 người so với thời điểm cuối năm 2017. 

23 tỉnh đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 90% dân số, 13 tỉnh đạt từ 85% dân số đến dưới 90%, 27 tỉnh đạt dưới 85%. 63 tỉnh, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. 

Các đối tượng gia tăng nhiều tập trung chủ yếu vào đối tượng nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ (do nhiều địa phương đã hỗ trợ 30% số tiền còn lại cho hộ gia đình cận nghèo); đối tượng tham gia theo hộ gia đình (nhiều địa phương đã hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình là người cao tuổi từ trên 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; người có 30 năm tuổi đảng; người nhiễm HIV/AIDS... hoặc do nhiều tổ chức hỗ trợ một phần mức đóng). 

Tính đến hết tháng 3/2018, tổng số thu bảo hiểm y tế đat 18.441 tỉ đồng, đạt 20,6% so kế hoạch Chính phủ giao. Số nợ bảo hiểm y tế là 4.496 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chậm chuyển là 2.762 tỉ đồng, chiếm 61,4% tổng số nợ bảo hiểm y tế. Ước tính sáu tháng đầu năm 2018, tổng số tiền thu bảo hiểm y tế là 37.891 tỉ đồng, số nợ là 3.500 tỉ đồng (giảm so với ba tháng đầu năm). 

Năm 2018, số cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 2.316 cơ sở, trong đó cơ sở y tế công lập là 1.549, cơ sở y tế tư nhân là 544 và y tế cơ quan là 223 cơ sở (chưa bao gồm Trạm y tế xã). Kết quả cho thấy số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gia tăng nhanh trong năm 2018 (tăng 147 cơ sở khám chữa bệnh so với năm 2017), trong đó, công lập là 55 cơ sở và tư nhân là 91 cơ sở.

Số cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng tăng, kết hợp với quy định khám chữa bệnh thông tuyến đã tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho người tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với công tác giám định bảo hiểm y tế và kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, sáu tháng đầu năm 2018, tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ước đạt 84,9 triệu lượt (trong đó có 77,3 triệu lượt khám ngoại trú và 7,6 triệu lượt điều trị nội trú), tăng 9,4 % so với cùng kỳ năm 2017 (khám chữa bệnh ngoại trú tăng 9,4%, nội trú tăng 7,2%). Tần suất khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 1.04 lượt/thẻ, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017. 

Số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 47.309 tỉ đồng, chiếm 51,91% dự toán Chính phủ giao (chưa bao gồm số chi của nhóm đối tượng do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân quản lý), tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ sử dụng quỹ 122,57%. Chi phí bình quân/lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 557.300 đồng/lượt (trong đó, ngoại trú là 235.000 đồng/lượt, nội trú là 3,853 triệu đồng/lượt), tăng 7.3% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì chi phí thuốc/máu chiếm tỷ trọng cao nhất (37%); tiếp đến là chi cho tiền giường (16.85%). 

60/63 tỉnh, thành chi vượt quỹ được sử dụng trong kỳ, trong đó có 13 địa phương ước bội chi quỹ trên 200 tỉ đồng gồm Nghệ An (751,981 tỉ đồng); Thanh Hóa (749,185 tỉ đồng); Quảng Nam (486,555.17 tỉ đồng); Thái Bình (350,311 tỉ đồng); Quảng Ninh (341,045 tỉ đồng); Nam Định (338,801 tỉ đồng), Hà Nội (319,123 tỉ đồng)...

Chỉ còn ba địa phương cân đối được quỹ bảo hiểm y tế gồm Thành phố Hồ Chí Minh (+338,741 tỉ đồng), Đồng Nai (+238,113 tỉ đồng), Bình Dương (+467,535 tỉ đồng)./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết