Và dĩ nhiên cũng đừng căn cứ vào đó mà khẳng định chắc như đinh đóng cột: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đầu tiên hoàn mỹ.
Thứ nhất nó mới đi được hơn nửa chặng đường. Hai nữa là vẫn còn những sai sót lặt vặt về đề thi và coi thi. Chuyện này khó tránh khỏi. Nhưng dù sao cũng khẳng định bước đầu thế là suôn sẻ, nhất là kỳ thi được tổ chức lần đầu tiên.
Việc thai nghén kỳ thi THPT quốc gia này đã lâu và quá trình thai nghén cũng vật vã gian truân, bởi ngay từ khi đặt lên bàn nghị sự thì cũng có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó lo lắng một cách trung thực và vô tư có, phảng phất lợi ích cục bộ cũng có.
Tỷ lệ khoảng 7% trượt tốt nghiệp có thể là một tỷ lệ đẹp nhưng suy cho cùng không nói lên nhiều điều.
Người ta lo lắng cho một kỳ thi sẽ có tỷ lệ trượt tốt nghiệp cao? Với tỷ lệ 7% như đã nói rõ ràng không cao. Nhiều người hài lòng. Nhưng bảo nó phản ánh đúng chưa thì cũng chẳng ai dám khẳng định. Cái này khó! Có lẽ phải có một quá trình vài ba năm thực hiện khoa học - nghiêm túc và quyết liệt.
Cụm từ “đề thi bám sát nội dung chương trình và SGK” được nhiều nhà quản lý giáo dục phát ngôn ở những kỳ thi trước đã bó chân bó tay khâu ra đề thi. Thật mừng là trong quy chế mới của kỳ thi THPT quốc gia không còn chữ SGK nữa. Đây là cơ sở để có những đề thi đánh giá năng lực và vận dụng, dẹp bỏ dần kiểu đề thi kiểm tra trí nhớ, học thuộc lòng.
Trước kỳ thi, một số đồn đoán rằng cụm thi do sở GD-ĐT tổ chức sẽ tốt nghiệp cao. Thực tế ngược lại. Tỷ lệ tốt nghiệp 84,45% (so với 94,74% do trường ĐH chủ trì) có lẽ cũng không khó để lý giải. Giả thiết rằng sự nghiêm túc ở khu vực này được tuân thủ thì cũng có thêm một yếu tố nữa tác động khiến tỷ lệ thấp. Đó là thí sinh đăng ký vào cụm thi này chỉ để xét tốt nghiệp nên mặt bằng học lực đều sàn sàn như nhau, ở mức trung bình trở xuống. Việc quay cóp của nhau là không thể và càng khó xảy ra tình trạng sử dụng tài liệu khi giám thị coi thi nghiêm khắc.
Tại những cụm thi do trường ĐH chủ trì khả năng thí sinh chấp nhận cho nhau xem bài là rất thấp bởi vì đây là kỳ thi lấy điểm vào ĐH-CĐ nên tính cạnh tranh cao. Thí sinh không thể dễ dãi, hồn nhiên và hào phóng “giúp đỡ” nhau như ở những kỳ thi tốt nghiệp trước. Đây là yếu tố rất hay của kỳ thi THPT Quốc gia.
Nó sẽ dần dần làm cho thí sinh từ bỏ tâm lý ỷ lại. Đồng thời cũng tác động trở lại khâu coi thi. Bởi vì từ nay, sự dễ dãi và thiếu kỷ luật trong phòng thi đồng nghĩa với sự thiếu công bằng. Nó ảnh hưởng trực tiếp và thiết thực tới từng thi sinh và họ chẳng dễ gì mà bỏ qua. Cán bộ coi thi nhận thức rõ điều đó và phải làm tròn bổn phận của mình.
Cho dù đây đó còn có chuyện này chuyện kia nhưng dẫu sao cũng nên thừa nhận tính cục bộ địa phương và bệnh thành tích đã giảm khi thực hiện kỳ thi này, nhất là ở các cụm thi liên tỉnh, do trường ĐH chủ trì. Nó giảm do tính chất của kỳ thi (như đã nói ở trên) và do sự có mặt (có trách nhiệm) của giảng viên ĐH-CĐ.
Sự có mặt của giảng viên ĐH-CĐ tại các điểm thi (cụm thi) đã bắt đầu thực hiện từ nhiều năm trước nhưng nói thực hiệu quả không cao bởi tâm lý đi trông hộ, làm vì buộc phải làm, làm theo điều động. Mặt khác sự nể nang, sự vồn vã và tiếp đãi hậu hĩ của địa phương, của trường thi - điểm thi, cũng ít nhiều tác động đến công việc giám sát-coi thi.
Ở kỳ thi THPT quốc gia, vai trò người coi thi của giảng viên ĐH-CĐ khác. Họ là một thành viên có trách nhiệm trong việc tuyển lựa đầu vào cho bậc đại học, trong đó có trường mình. Từ vị thế khách thể, họ chuyển thành chủ thể thông qua giải pháp kỹ thuật (kỳ thi THPT Quốc gia) chứ không phải ở những điều chuyển mang nặng tính hành chính cùng những khẩu hiệu hô hào./.
Ngô Thiệu Phong/VOV