Tiếng Việt | English

22/06/2021 - 16:28

70% các tỉnh, thành phố trên cả nước có kế hoạch chuyển đổi IPv6

Đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, VNNIC sẽ tích cực hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi IPv6 theo hình thức trực tuyến.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Vnpro)

Theo thông tin từ Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến giữa tháng Sáu này, có 44 tỉnh, thành phố trong cả nước đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6, chiếm khoảng 70% địa phương trên cả nước.

IPv6 (địa chỉ internet thế hệ 6) là giải pháp cho vấn đề cạn kiệt không gian địa chỉ IPv4 (địa chỉ Internet thế hệ 4), đồng thời là hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu để Việt Nam triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao như IoT, mạng 4G-LTE, mạng 5G… phục vụ cho chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, nhiều địa phương như Vĩnh Long, Bình Thuận, Hậu Giang, Thái Bình, Hà Tĩnh… đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 và phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) để tổ chức tập huấn IPv6 cho cán bộ công nghệ thông tin tại các địa phương.

Đại diện VNNIC cho biết trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, VNNIC sẽ tích cực hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi IPv6 theo hình thức trực tuyến.

Mới đây, VNNIC đã tổ chức hội thảo trực tuyến chuyên đề "Hướng dẫn quy hoạch địa chỉ IPv6" cho các Sở Thông tin và Truyền thông khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Chương trình được thực hiện theo hình thức trực tuyến trên nền tảng VNNIC Internet Academy. Buổi đào tạo dành cho các chuyên viên, kỹ sư là những nhân sự trực tiếp tham mưu xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6 tại các địa phương.

Nội dung tập huấn được thiết kế với mục tiêu sau khi kết thúc khóa học, học viên nắm được các kiến thức cơ bản về IPv6, yêu cầu chuyển đổi IPv6 và các thức xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ của địa phương mình. Kết thúc chương trình, học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ.

Tại nhiều địa phương, việc hỗ trợ IPv6 là yêu cầu được đưa vào trong các dự án ứng dụng công nghệ thông tin và các hoạt động đầu tư, mua sắm trang thiết bị có kết nối internet, hợp đồng thuê đường truyền, thuê dịch vụ công nghệ thông tin… nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng IPv6 theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc chuyển đổi IPv6 là một trong những nhiệm vụ quan trọng để triển khai hạ tầng số tại các địa phương, góp phần xây dựng hạ tầng mạng lưới cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại phục vụ việc xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia và hành chính công.

Tính đến tháng 3/2021, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên internet Việt Nam đạt 44%, đứng thứ 2 trong ASEAN và thứ 10 toàn cầu (do Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á-Thái Bình Dương - APNIC công bố).

Dịch vụ IPv6 được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng, 34 triệu thuê bao di động và 11 triệu thuê bao internet (FTTH) tới hộ gia đình đã sử dụng ổn định địa chỉ IPv6.

Đến giữa tháng 6/2021, cả nước có hơn 20% cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố hoạt động trên nền tảng IPv6./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết