Ông Võ Văn Hồng lau dọn căn nhà tình nghĩa vừa được xây dựng
1. Đầu tháng 7/2022, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Võ Văn Hồng (SN 1966), ngụ ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, là con của liệt sĩ Võ Văn Chồn đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kinh tế khó khăn từ nhiều năm qua, vợ và con gái của ông đi làm công nhân ở xa để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hiện tại, ông Hồng sống một mình trong căn nhà mới. Khi chúng tôi đến thăm cũng là lúc ông Hồng tất bật dọn vào căn nhà tình nghĩa vừa được Đảng ủy, UBND xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng. Ngoài số tiền được hỗ trợ 80 triệu đồng, gia đình ông đã góp thêm một ít để căn nhà được kiên cố hơn.
Ông Hồng bộc bạch: “Ở một mình nhiều lúc cũng buồn nhưng vì hoàn cảnh biết phải làm sao! Nhà không có đất sản xuất, vợ chồng tôi sức yếu lại hay đau bệnh. Số tiền kiếm được từ việc làm thuê chỉ giúp gia đình sống tạm qua ngày nên việc tự bỏ tiền ra xây lại căn nhà là điều bất khả thi. Vì vậy, căn nhà cũ hơn 20 năm ngày càng xuống cấp, mái dột, cột xiêu. Mùa nắng còn ở được, chứ mùa mưa thì phải chạy bên này rồi chạy bên kia hứng nước”.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, địa phương đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí giúp ông Hồng có căn nhà mới. Giờ đây, dù mưa hay nắng thì ông cũng không phải lo lắng. Vợ, con của ông ở xa cũng yên tâm làm ăn để cải thiện kinh tế gia đình. Ông Hồng chia sẻ: “Nhìn căn nhà xuống cấp, đã nhiều lần gia đình tôi có ý định tu sửa nhưng lo cho bữa ăn hàng ngày cũng chật vật lắm rồi, lấy đâu tiền dành dụm nên vẫn chưa thực hiện được”.
Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Trụ, đến nay, hầu hết các gia đình chính sách, NCC trên địa bàn đều có cuộc sống ổn định bằng sự quan tâm từ nhiều phía. Ngoài những căn nhà ở được xây mới hoặc sửa chữa, huyện còn thường xuyên tổ chức nhiều đoàn cán bộ thăm hỏi và tặng quà các đối tượng chính sách, NCC với cách mạng. Qua đó, khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện giúp các gia đình vươn lên trong cuộc sống.
2. Xác định hỗ trợ cải thiện nhà ở là một nội dung quan trọng trong thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ và NCC, thời gian qua, việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, NCC luôn được các địa phương xem là trách nhiệm và đạo lý phải làm. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đều ưu tiên thứ tự giải quyết cho các trường hợp có nhà ở bị hư hỏng nặng, lớn tuổi, sức khỏe kém nhằm giúp các gia đình sớm được hưởng chính sách của Nhà nước, quyết không để hộ chính sách nào phải sống trong căn nhà lụp xụp, xuống cấp.
Căn nhà của bà Trần Thị Hết đã được tu sửa khang trang hơn từ số tiền hỗ trợ của địa phương dành cho gia đình chính sách
Bà Trần Thị Hết (SN 1942), ngụ ấp An Hòa 1, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, đang thờ cúng 2 em chồng là liệt sĩ Phan Văn Tình và Phan Văn Quang. Dù cuộc sống không quá khó khăn nhưng kinh tế chính trong nhà chỉ trông cậy vào người con trai út đang đi làm ở tận Bình Dương. Bà thì lớn tuổi, nay ốm mai đau, nhiều chi phí phải lo nên căn nhà xây dựng hơn chục năm nay vẫn là căn nhà thô, chưa đủ tiền để tô và sơn tường. Dịp lễ 30-4 vừa qua, lãnh đạo huyện cùng địa phương đã đến thăm và quyết định vận động kinh phí hỗ trợ gia đình tu sửa lại nhà. Nhìn căn nhà khang trang, bà Hết không khỏi xúc động: “Nhờ có lãnh đạo địa phương quan tâm nên căn nhà mới được như vậy. Tôi vui lắm! Niềm mong mỏi bấy lâu nay cũng đã hoàn thành rồi. Gia đình tôi cảm thấy rất ấm áp vì thế hệ đi sau vẫn luôn ghi nhớ đóng góp của những người đi trước, đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Được biết, không riêng bà Hết mà rất nhiều gia đình chính sách, NCC với cách mạng trên địa bàn huyện Thủ Thừa đã và đang được quan tâm, chăm lo tốt. Việc làm này đã giúp các gia đình cảm thấy an ủi, vơi đi phần nào mất mát, đau thương do chiến tranh để lại vì luôn nhận được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Mục tiêu của địa phương là bảo đảm mức sống của gia đình chính sách, NCC với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Có thể nói, những căn nhà tình nghĩa được xây dựng không chỉ giúp các gia đình ổn định cuộc sống mà còn thể hiện sự tri ân của cộng đồng xã hội, của thế hệ đi sau đối với những NCC với đất nước. Qua đó, góp phần lan tỏa truyền thống Uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc ta./.
An Kỳ