Tiếng Việt | English

27/03/2017 - 10:33

Ấm áp những căn nhà tình nghĩa

“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Truyền thống ấy càng được tô thắm khi thời gian qua, các cấp, các ngành, mạnh thường quân cùng chung tay chăm lo xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Trong căn nhà mới còn thơm mùi sơn, ông Trương Văn Thơm, 69 tuổi, ngụ xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An phấn khởi: “Tết vừa rồi, gia đình tôi được đón tết trong căn nhà khang trang, sạch đẹp. Đây chính là niềm ao ước của gia đình tôi nhiều năm qua. Từ nay, gia đình tôi có nơi thờ cúng ba tôi (liệt sĩ Phạm Ngọc Trang) tử tế rồi. Giờ đây, tôi chỉ hy vọng mình có sức khỏe để tiếp tục lao động, ổn định cuộc sống”.

Ông Trương Văn Thơm (bìa phải) vui vẻ bên căn nhà tình nghĩa mới hoàn thành

Được biết, mặc dù ông Thơm tuổi cao, sức khỏe không tốt nhưng hằng ngày vẫn phải đi bộ hơn 10km bán vé số, kiếm chút tiền trang trải cuộc sống gia đình bởi vợ ông thường xuyên đau ốm, không còn khả năng lao động. Chi phí cho cuộc sống hằng ngày khó khăn nên khi căn nhà xuống cấp, ông không có điều kiện xây mới. Biết được hoàn cảnh của gia đình ông, chính quyền địa phương vận động hỗ trợ ông 50 triệu đồng xây dựng căn nhà tình nghĩa.

Cùng hoàn cảnh với ông Thơm, bà Hoa Thị Trúc, ngụ xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức chia sẻ: “Chồng tôi là liệt sĩ Trương Ngọc Ẩn, hy sinh năm 1972. Lúc chồng tôi hy sinh, các con đều rất nhỏ nên tôi sống chung với nhà chồng. Vì kinh tế gia đình quá khó khăn nên tôi không có điều kiện xây dựng nhà kiên cố để thờ cúng chồng. Năm 2016, gia đình tôi được chính quyền địa phương vận động hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa. Với số tiền trên cùng số tiền dành dụm của gia đình, tôi xây mới căn nhà trị giá 80 triệu đồng. Từ nay, tôi an tâm vì có nơi thờ cúng chồng tử tế”.

Không riêng gia đình ông Thơm, bà Trúc được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, năm 2016, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội luôn xác định việc quan tâm chăm lo các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng là việc làm ý nghĩa, thiết thực.

Từ đó, ngành triển khai xây dựng 187 căn và sửa chữa 118 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá trên 10,6 tỉ đồng cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở.

Bà Hoa Thị Trúc (giữa) được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng căn nhà tình nghĩa, từ đó, gia đình có chỗ thờ cúng liệt sĩ Trương Ngọc Ẩn

Huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Năm qua, huyện vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 31 căn và sửa chữa 4 căn nhà tình nghĩa.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Giuộc - Hồ Văn Sơn chia sẻ: Bên cạnh việc vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, huyện còn ứng 1,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để xây dựng 27 căn và sửa chữa 56 căn nhà tình nghĩa theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng luôn được huyện quan tâm kịp thời. Dự kiến, năm 2017, huyện tiếp tục vận động mạnh thường quân, các nhà hảo tâm xây mới 15 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách đang có nhu cầu về nhà ở.

Vận động xây dựng nhà tình nghĩa thực sự trở thành phong trào thi đua sâu rộng của các cấp, các ngành. Từ đó, người có công với cách mạng, các gia đình chính sách được ổn định cuộc sống và có thêm nhiều động lực tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết