Tiếng Việt | English

23/05/2024 - 14:24

Ăn bí đỏ trong một thời gian dài có thể bị vàng da?

Ngoài bí đỏ thì cà rốt, cải xoăn, rau lang đều có chứa beta-carotene, nếu ăn quá nhiều trong vài tuần sẽ có thể gây ra hiện tượng vàng da. Tình trạng vàng da này có nguy hiểm?

Bí đỏ được bày bán ở chợ Bà Chiểu, TP.HCM. (Ảnh: THÙY DƯƠNG)

Bác sĩ Lê Nhất Duy, khoa y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết trong bí đỏ có chứa một hàm lượng lớn beta-carotene, một tiền chất của vitamin A. Thông thường beta-carotene hấp thụ vào cơ thể và chuyển hóa thành vitamin A. 

Tuy nhiên, nếu cơ thể dung nạp quá nhiều beta-carotene trong một thời gian dài, chất này sẽ được tích trữ trong các mô mỡ dưới da, dẫn đến hiện tượng vàng da.

Nên sử dụng đa dạng các loại rau củ quả

Ngoài bí đỏ thì cà rốt, cải xoăn, rau lang đều có chứa beta-carotene, nếu ăn quá nhiều trong vài tuần sẽ có thể gây ra hiện tượng vàng da. Vì vậy, nên cần cân đối việc sử dụng các loại rau củ quả, không lạm dụng vì những lợi ích trên của bí đỏ.

Tuy nhiên kể cả bị vàng da do lý do này, bạn không nên lo lắng vì đây không phải là một tình trạng nguy hiểm. Chỉ cần giảm sử dụng các loại thực phẩm giàu beta-carotene, hiện tượng vàng da sẽ dần biến mất.

Hiện nay, chưa có nghiên cứu cụ thể về việc sử dụng bí đỏ hay các loại thực phẩm giàu beta-carotene bao nhiêu và bao lâu sẽ gây ra hiện tượng này. Nên tốt nhất hãy cân bằng chế độ dinh dưỡng, sử dụng đa dạng các loại rau củ quả sẽ giúp bạn có một cơ thể cân bằng và khỏe mạnh hơn.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trần Như Thủy - khoa y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, bí đỏ hay bí ngô là loại cây thân leo rất phổ biến, nhà nhà đều biết, người người đều dùng. 

Hầu hết các loại bí đỏ đều hợp với khí hậu nhiệt đới, nên loại cây này có quanh năm. Bí đỏ ở Việt Nam có nhiều giống khác nhau như bí đỏ cao sản, bí đỏ trái dài, bí đỏ hồ lô, bí đỏ Nhật, bí đỏ khổng lồ,…

Những lợi ích của bí đỏ đã rất quen thuộc với đại đa số người Việt, nhưng mọi người thường chỉ biết đến những giá trị của thịt quả, có thể kể đến như giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm đẹp da, tốt cho bà bầu thai nhi và trẻ em, lượng calo thấp và nhiều chất xơ hỗ trợ giảm cân, giúp ngăn ngừa các chất oxy hóa bởi hàm lượng carotenoids cao, tốt cho tim mạch và não bộ, bổ mắt, tốt cho hệ tiêu hóa.

Hạt bí khô còn là món ăn ưa thích trong các dịp lễ Tết liên hoan và là thành phần tuyệt vời trong các món bánh tráng miệng. Trong Đông y, bí đỏ có vị ngọt, tính ấm, không độc, quy kinh vị và đại tràng, có tác dụng bổ trung ích khí, nhuận phế, tiêu viêm, giảm đau.

Chỉ nên ăn bí đỏ 1 đến 2 lần/tuần

Vì không chỉ thịt quả mà có thể nói tất cả các bộ phận từ bí đỏ như lá non, ngọn bí, nụ hoa, quả non, cuống bí đều có thể sử dụng làm rau ăn rất ngon và bổ, trở thành món ăn đặc sản của nhiều vùng, không chỉ có thể ăn được mà còn có tác dụng dược lý giúp chữa bệnh.

Cả hoa bí đỏ còn tươi và hoa phơi khô đều có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, cầm máu. Thường được Đông y sử dụng để điều trị ho, vàng da và bệnh kiết lỵ, hoa bí đỏ được chế biến với các món xào cùng thịt bò hay gan heo, nấu canh, rau ăn kèm với một số món lẩu… 

Trong Đông y, hoa bí đỏ vị ngọt, tính hàn nên tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, bổ can thận, sáng mắt, tiêu độc, chỉ thống. Lưu ý là hoa bí đỏ có tính hàn, những người bị khó tiêu, thể chất âm hàn, lạnh chân tay không nên ăn nhiều.

Lá non, ngọn non bí đỏ hay còn gọi là rau bí. Rau bí chứa nhiều khoáng chất quan trọng như sắt, mangan, phốt pho, canxi. 

Công đoạn sơ chế loại rau này tuy khá mất thời gian nhưng lại có thể chế biến được thành nhiều món ngon có hàm lượng dinh dưỡng cao như luộc, xào thịt bò, canh rau bí nấu tép, .. Trong Đông y, rau bí có thể giúp chữa ho, chữa đau đầu chóng mặt.

Cuống bí đỏ thường là phần bỏ đi khi sử dụng nhưng trong Đông y, cuốn bí đỏ tươi có thể được dùng là thành phần dược liệu trong những bài thuốc chữa trướng bụng, giúp an thai, chữa nấc cục, nôn trớ ở trẻ em hoặc phù thủng.

Hạt bí đỏ còn có một số tên khác như nam qua tử, nam qua nhân. Chiết xuất từ hạt bí ngô và dầu hạt có tác dụng kháng khuẩn, đặc biệt là chống vi rút. Trong dân gian từ lâu được dùng với công dụng trừ giun sán./.

Ngoài ra còn nhiều công dụng như cải thiện quá trình điều chỉnh insulin và bảo vệ thận, tăng cường hệ miễn dịch và phòng chống bệnh loãng xương, hỗ trợ chống trầm cảm, cung cấp khoáng chất, giàu chất chống oxy hóa…

Bí đỏ là món ăn tốt, song cần lưu ý nếu ăn quá nhiều có thể gây trướng bụng, mệt mỏi. Ăn bí đỏ thời gian dài có thể bị vàng da. Người bị máu loãng, máu khó đông hay người bệnh sốt rét không nên ăn thường xuyên bí đỏ. Trung bình chỉ nên ăn 1 đến 2 lần/tuần.

Theo tuoitre.vn

Nguồn: https://tuoitre.vn/an-bi-do-trong-mot-thoi-gian-dai-co-the-bi-vang-da-20240523091932648.htm

Chia sẻ bài viết