GS.TS Nguyễn Văn Đề tư vấn cho người dân vì nguy cơ mắc bệnh ký sinh trùng - Ảnh: HÀ LINH
Cẩn trọng vì mầm bệnh trong rau
GS.TS Nguyễn Văn Đề - nguyên chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội - cho biết thực phẩm bị ô nhiễm bởi các mầm bệnh đối với con người như hóa chất, vi khuẩn/vi rút và ký sinh trùng hiện nay đang ở mức báo động.
Ô nhiễm bởi hóa chất đang được chú ý hàng đầu, nhưng mầm bệnh ký sinh trùng ít được quan tâm mặc dù ký sinh trùng gây nên bệnh lý rất phức tạp và với tỉ lệ nhiễm cao trong cộng đồng.
Nhiều bệnh ký sinh trùng truyền qua thực phẩm gây nên bệnh cảnh hết sức nặng nề như bệnh giun xoắn có thể tử vong và gây thành dịch, bệnh ấu trùng sán lợn gây động kinh, co giật, liệt, mù mắt, bệnh sán lá gan nhỏ gây xơ gan, ung thư gan, sán lá gan lớn gây u gan và chẩn đoán nhầm với ung thư gan...
Sán lá phổi gây chẩn đoán nhầm với lao, nhiều bệnh nhân điều trị lao hàng chục năm, có bệnh nhân điều trị lao 30 năm, trong lúc đó điều trị sán lá phổi chỉ 2 ngày, bệnh giun đũa chó còn gây nhiều triệu chứng phức tạp như nổi mề đay, sẩn ngứa, xuất huyết, sốt kéo dài...
Đó là chưa nói đến có tới hàng triệu người nhiễm giun đường ruột và hàng chục triệu người nhiễm đơn bào hầu hết có liên quan đến rau xanh. Kiểm tra một số mẫu rau tại thành phố và nông thôn cho thấy hầu hết mẫu rau đều bị ô nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng.
Ký sinh trùng không chỉ bám bên ngoài rau mà vào cả trong thân rau. Đó là các loài rau thủy sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống ao, rau cần, rau răm có thể chứa ấu trùng sán lá gan lớn và sán lá ruột lớn. Người ăn phải rau sống, rau nấu chưa chín có ấu trùng loài sán này sẽ bị bệnh sán lá gan lớn hay bệnh sán lá ruột lớn.
Bệnh sán lá gan lớn gây nên các khối u trong gan hay một số nơi khác làm cho thầy thuốc chẩn đoán nhầm với u, đặc biệt nhầm với ung thư, dẫn đến xử lý không đúng và gây nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí có bệnh nhân bệnh viện trả về chờ chết.
Bệnh sán lá gan lớn được phát hiện trên 52 tỉnh thành với trên 20.000 bệnh nhân. Cần được chẩn đoán sớm để điều trị đúng thuốc mới khỏi được, đặc biệt một số bệnh nhân do sán không ở trong gan nên không chẩn đoán được, nhưng cũng có bệnh nhân sán gây u trong gan và không có triệu chứng gì làm thầy thuốc nghĩ đến ung thư.
Điều cần thiết là phải kiểm tra tất cả những người bị u gan hay áp xe gan để xem có bị sán hay không vì nếu bị sán chỉ cần uống thuốc là khỏi, không cần xử lý gì thêm. Bệnh sán lá ruột lớn chỉ gây bệnh tại ruột nên không nguy hiểm như bệnh sán lá gan lớn.
Ấu trùng giun sán bám ngoài rau cũng có thể gây hại
Những mầm bệnh ký sinh trùng bám vào rau gồm các loại trứng và ấu trùng giun sán. Nếu người ăn rau sống có trứng giun đũa sẽ bị bệnh giun đũa. Giun đũa ký sinh tại ruột, chúng chiếm thức ăn gây thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng ở trẻ em, ngoài ra còn gây tắc ruột, lồng ruột, giun chui ống mật. Nước ta có tỉ lệ giun đũa cao, nhất là các tỉnh phía Bắc, có nơi 90%.
Người ăn phải rau có trứng giun tóc sẽ bị nhiễm giun tóc, giun tóc ký sinh ở manh tràng và đại tràng, hút máu, gây viêm, có khi gây sa trực tràng. Bệnh cũng phân bố với tỉ lệ nhiễm cao ở miền Bắc.
Người ăn phải trứng sán dây lợn sẽ bị bệnh ấu trùng sán lợn, ấu trùng ký sinh dưới da và ở não gây động kinh, co giật, liệt, nói ngọng, mù mắt…
Bệnh phân bố rải rác trên toàn quốc. Một số loài ấu trùng giun móc, giun lươn bám vào rau cũng có thể gây nhiễm cho người, nhưng 2 loài giun này và giun mỏ chủ yếu nhiễm vào người qua đường da (ấu trùng chui qua da). Bệnh giun móc/ giun mỏ gây thiếu máu, nếu nặng có thể gây suy tim, suy gan, suy thận và suy tủy. Bệnh phổ biến trên toàn quốc, có nơi tỉ lệ nhiễm 85%.
Bệnh giun lươn gây viêm ruột, đặc biệt gây loét hành tá tràng, có nghiên cứu cho thấy 29% số bệnh nhân bị nhiễm giun lươn trong nhóm những người được chẩn đoán loét hành tá tràng. Đặc biệt, giun lươn có khả năng sinh sản ngay trong ruột, nên nếu không điều trị sớm có thể gây tử vong.
Ngoài ra, bám trên rau còn có mầm bệnh đơn bào như bào nang amip Entamoeba histolytica, bào nang trùng roi Giardia lamblia. Ở môi trường chúng tồn tại dưới dạng bào nang, chúng có thể bám vào rau hoặc được côn trùng như ruồi, nhặng, dán… tha vào thức ăn.
Khi người ăn phải bào nang đơn bào này, chúng vào ruột gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành thể hoạt động và gây bệnh. Đặc biệt, khó khăn cho công tác phòng bệnh là người lành mang bào nang đơn bào và hằng ngày thải ra môi trường với số lượng lớn bào nang. Entamoeba histolytica gây bệnh lỵ amíp, có khi thành dịch và Giardia lamblia gây bệnh tiêu chảy kéo dài, đặc biệt ở trẻ em./.
Để phòng bệnh ký sinh trùng cần ăn chín, uống sôi, không phóng uế bừa bãi, không dùng phân tươi bón cây, không đi chân đất. Khi dùng rau củ quả sống phải rửa sạch, kỹ dưới vòi nước chảy.
Để chẩn đoán các bệnh giun sán do tùy thuộc từng loài ký sinh trùng mà chọn phương pháp xét nghiệm phù hợp. Cụ thể các loài giun sán đường ruột chủ yếu xét nghiệm phân (trừ giun lươn nên xét nghiệm máu ELISA), các loài giun sán trong các mô, tạng nên dùng miễn dịch chẩn đoán (ELISA)
|
Theo TTO
Nguồn: https://tuoitre.vn/an-rau-song-co-the-nhiem-nhung-benh-nao-tu-ky-sinh-trung-20231010083549774.htm