Thời gian qua, tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến miền Trung, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi heo của Việt Nam. Nhiều người tiêu dùng e ngại dịch bệnh, hạn chế sử dụng thịt heo, làm người chăn nuôi heo điêu đứng, kể cả ở những vùng không có dịch bệnh.
Ở Long An, công tác phòng ngừa DTHCP diễn ra quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với quyết tâm cao thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động đến tổ chức kiểm soát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển heo trên địa bàn tỉnh, thành lập các trạm kiểm soát ở một số địa phương; thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc. Mặt khác, ngành chức năng tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất. Đồng thời, các cấp chính quyền, ngành chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt heo khỏe mạnh,...
Công tác tuyên truyền, vận động đã định hướng người chăn nuôi cam kết thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý để phục vụ chăn nuôi. Các đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ) tích cực thực hiện chương trình phối hợp UBND tỉnh về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020” thông qua các hoạt động tuyên truyền. Đặc biệt, Hội Nông dân tổ chức hoạt động tuyên truyền “sản xuất và sử dụng thịt heo an toàn” năm 2019. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; tập trung tuyên truyền bệnh DTHCP trong điều kiện dịch bệnh có nguy cơ lan rộng đến các tỉnh phía Nam nhằm giúp người chăn nuôi, người tiêu dùng hiểu rõ và không hoang mang trước dịch bệnh, không vì thiếu hiểu biết mà quay lưng với thịt heo an toàn được kiểm dịch bởi các cơ quan thú y. Các hoạt động này góp phần thiết thực trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi heo. Các hội viên nông dân, phụ nữ vừa là người chăn nuôi, vừa là người tiêu dùng, là tuyên truyền viên, cần tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền “sản xuất và sử dụng thịt heo an toàn” năm 2019.
Bệnh DTHCP không lây lan trên người và vi-rút gây bệnh có thể bị tiêu diệt sau khi xử lý bằng nhiệt (60oC trong 20 phút). Vì vậy, người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng thịt heo khỏe mạnh để làm thực phẩm. Mọi người cần lưu ý mua thịt đã được cơ quan thú y kiểm dịch; không e ngại, quay lưng với thịt heo sạch; không tung tin thất thiệt, thiếu khoa học về dịch bệnh và thịt heo./.
Kim Quy