Tiếng Việt | English

15/03/2019 - 10:02

Long An không chủ quan trước dịch tả heo Châu Phi

Trước thực trạng bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) diễn biến phức tạp, những ngày qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng, chống.

Long An thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời và đội kiểm soát động vật lưu động để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với heo và sản phẩm heo vào địa bàn tỉnh

Khẩn trương ứng phó

Hiện nay, DTHCP đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. DTHCP là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên heo, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. Bệnh này khiến heo bị đỏ da, tím tái và xuất huyết. Về triệu chứng rất khó phân biệt giữa dịch tả heo cổ điển và DTHCP.

Theo ngành chuyên môn, đa phần DTHCP lây lan là do vận chuyển, kế đến là việc sử dụng lại thức ăn dư thừa trong chăn nuôi. Dù bệnh này không lây sang người nhưng không được xem thường do chưa có vắc xin tiêm phòng, việc điều trị không hiệu quả, tỷ lệ chết rất cao, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi.

Nguy cơ dịch bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo, sản phẩm thịt heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc qua biên giới và nguồn heo từ các tỉnh nhập vào để giết mổ tại các cơ sở giết mổ.

Chốt kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 62, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An

Long An có khoảng 11.000 hộ chăn nuôi heo, nhiều nhất là ở các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An. Trong đó, nuôi dưới 50 con có trên 10.000 hộ; từ 50 con đến 100 con có trên 600 hộ.

Với mục tiêu chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả DTHCP, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch với những tình huống cụ thể khi chưa phát hiện dịch bệnh và biện pháp xử lý khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời và đội kiểm soát động vật lưu động để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với heo và sản phẩm heo vào địa bàn tỉnh; bố trí các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an cùng các lực lượng liên quan  để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, sản phẩm heo. Ngoài ra, bố trí lực lượng trực xuyên suốt tại các trạm kiểm dịch, cửa khẩu; tăng cường phun thuốc khử trùng, khử độc các xe vận chuyển heo.

Cán bộ thú y, quản lý thị trường, công an cùng các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, sản phẩm heo

An toàn sinh học là biện pháp căn cơ

Trong điều kiện chưa có vắc xin phòng dịch thì việc chủ động chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh ở các trang trại, hộ chăn nuôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Dù DTHCP chưa xuất hiện ở Long An nhưng bà Lê Thị Thu Vân, ấp Bình An, xã Lợi Bình Nhơn, TP. Tân An không khỏi lo lắng cho đàn heo của gia đình mình.

Hiện, gia đình bà có gần 20 con heo. Để chủ động phòng ngừa, bà Vân tiêm thuốc ngừa bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn và lặp lại đúng thời gian, liều lượng để giúp đàn heo nâng cao sức đề kháng. Theo định kỳ, bà luôn phun thuốc sát trùng quanh chuồng trại.

Việc chủ động phòng ngừa ở các hộ chăn nuôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Phan Ngọc Châu thông tin, hiện nay, người chăn nuôi cần lưu ý các bệnh: Lở mồm long móng, tai xanh, đặc biệt là dịch tả heo Châu Phi. Long An đã triển khai các chốt kiểm dịch lưu động cũng như các chốt cố định. Riêng Chi cục có đội phản ứng nhanh, tăng cường kiểm tra, giám sát lò mổ, điểm vận chuyển,…

Khuyến cáo người dân cần tiêm phòng tai xanh, dịch tả heo cổ điển vì DTHCP có triệu chứng khá giống với tai xanh. Khi người dân tiêm phòng 2 bệnh này thì khi có DTHCP xảy ra có thể loại trừ được vì DTHCP không có vắc xin. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi. Khi thấy biểu hiện bất thường trong đàn heo của mình thì báo ngay cho cơ quan chức năng qua đường dây nóng. Với những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng khi dịch bệnh xảy ra, người dân cần chú ý, nâng cao cảnh giác, chủ động và phối hợp cơ quan chức năng tăng cường phòng, chống dịch bệnh,…

DTHCP chưa có vắc xin, do đó, giải pháp phòng bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bảo vệ đàn heo. Cùng với việc cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh ngay từ biên giới, người chăn nuôi không nên chủ quan, dù dịch bệnh chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh.

1. Tại cuộc họp bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn dịch bệnh vào chiều 14/3 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh, thành báo cáo có xuất hiện DTHCP, đến thời điểm này, dịch xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành, tổng số heo tiêu hủy là 23.442 con. Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày. Các ổ dịch xuất hiện chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa xuất hiện tại các trang trại nuôi tập trung quy mô lớn. 

2. Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả heo Châu Phi. Khi mắc bệnh, heo có triệu chứng lâm sàng gần giống với bệnh dịch tả heo cổ điển, tai xanh. Heo sốt, thân nhiệt cao hơn 40 độ C. Heo không ăn, nôn mửa, ủ rũ, lười vận động, nằm chồng đống, có thể hôn mê, đau vùng bụng, vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới ngực và bụng có thể có màu đỏ, sẫm, xanh tím. Heo chết đột ngột; phủ tạng xuất huyết.

Vi rút gây ra dịch bệnh này có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang vi rút suốt đời, do vậy, nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ gây tác hại rất lớn cho ngành chăn nuôi và rất khó để loại trừ mầm bệnh.

Ngay khi phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần báo ngay theo số điện thoại đường dây nóng:

(0272) 38.38.146 (Phòng Kỹ thuật, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Long An)

0918.700.595 (Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Long An - Dương Minh Phí)./.

Thanh Hiểu - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết