Tiếng Việt | English

26/01/2016 - 06:33

Áp dụng bộ tiêu chí sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế tại Việt Nam

 

(Ảnh: Trường Giang/TTXVN)

Ngày 25/1, tại Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Tập đoàn Lộc Trời và Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế của tổ chức Môi trường của Liên hiệp quốc (SRP) tổ chức Hội thảo triển khai áp dụng bộ tiêu chí về sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, 46 tiêu chí của SRP sẽ thực hiện trên vùng nguyên liệu cánh đồng lớn ở các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng đây là sự kiện quan trọng, là cơ hội lớn để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thành viên của SRP là các tập đoàn nông nghiệp hàng đầu thế giới, tổ chức chứng nhận chất lượng toàn cầu, Bộ nông nghiệp của các nước trồng lúa trọng điểm, đồng thời bao gồm những công ty thương mại lúa gạo lớn nhất thế giới. Khi đạt được chứng nhận SRP với 46 tiêu chí, lần đầu tiên lúa gạo Việt Nam sẽ có tấm giấy thông hành đến những thị trường lớn, khó tính nhất với thương hiệu riêng trên toàn cầu.

Cùng quan điểm trên, Ts. James Lomax - Chủ tịch SRP, cho biết đây là cơ hội mang lại thu nhập bền vững cho nông dân, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực. Chủ tịch SRP tin tưởng nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện tốt các tiêu chí trên.

Nông dân Nguyễn Văn Nhạt, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, một trong những nông dân đầu tiên tham gia sản xuất cánh đồng lớn chia sẻ, bản thân tin tưởng có thể thực hiện 46 tiêu chí được đưa ra tại diễn đàn. Bởi, cách làm này giúp cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao giá trị hạt gạo, bảo vệ tốt môi trường sản xuất, môi trường sống, tăng được lợi nhuận cho người trồng lúa.

Việc Áp dụng bộ tiêu chí của SRP, lần đầu tiên nông dân trong cánh đồng lớn của Tập đoàn Lộc Trời sẽ tuân thủ 46 tiêu chí liên quan đến các vấn đề bao gồm quản lý đồng ruộng, chuẩn bị cho canh tác, sử dụng nước, quản lý dinh dưỡng, quản lý sâu bệnh, thu hoạch và sau thu hoạch, sức khoẻ và an toàn, quyền lợi của người lao động.

Bộ tiêu chí của SRP có các chỉ số đo lường cụ thể, nhấn mạnh đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường với tầm nhìn phát triển bền vững. Yếu tố kinh tế đảm bảo khía cạnh năng suất và giá thành, trong khi yếu tố môi trường sẽ chú trọng kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, giảm thiểu khí thải nhà kính. Yếu tố xã hội của bộ tiêu chí tập trung đảm bảo trong các vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn sức khoẻ cho người lao động... Bộ tiêu chí này còn kiểm soát các yếu tố khác bao gồm cả vấn đề nữ quyền và nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em.

Tiễn sỹ Nguyễn Thị Mỹ Phụng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, đánh giá đây là chương trình định hướng để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Tại An Giang ngành nông nghiệp sẽ tích cực ủng hộ để đưa gạo địa phương ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, bà Phụng cũng lưu ý, việc hỗ trợ của Tập đoàn Lộc Trời với nông dân chỉ là một phần, cái chính là bà con phải nỗ lực trong sản xuất, nhất là khâu quản lý nước tưới bởi sẽ giúp giảm khí thải nhà kính, bảo vệ tốt môi trường sống và sản xuất.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời nêu rõ, thời gian qua, nhiều nông dân sản xuất trong cánh đồng lớn thực hiện các tiêu chí sản xuất trong bộ 46 tiêu chí của SRP. Việc mở rộng áp dụng các tiêu chí này góp phần sản xuất an toàn, bền vững môi trường và giúp nâng cao đời sống nhà nông.

Tập đoàn Lộc Trời cũng là đơn vị đầu tư mạnh nhất cho hoạt động chế biến lúa gạo, đã xây dựng và đang vận hành hệ thống năm nhà máy xay xát, chế biến và tồn trữ lúa gạo trải rộng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với công suất lên đến 1 triệu tấn/năm./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết