Tiếng Việt | English

24/07/2021 - 13:57

Áp thấp nhiệt đới di chuyển sát vùng biển Nam Định-Ninh Bình

Áp thấp nhiệt đới di chuyển sát vùng biển Nam Định-Ninh Bình, dự báo sẽ tiếp tục di chuyển xuống vùng biển gần Thanh Hóa-Nghệ An trước khi chuyển hướng ra ngoài biển.

(Nguồn: nchmf.gov.vn)

(Nguồn: nchmf.gov.vn)

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định áp thấp nhiệt đới di chuyển sát vùng biển Nam Định-Ninh Bình, dự báo sẽ tiếp tục di chuyển xuống vùng biển gần Thanh Hóa-Nghệ An trước khi chuyển hướng ra ngoài biển, trọng tâm mưa dịch chuyển xuống các tỉnh Thanh Hóa-Thừa Thiên-Huế trong hôm nay.

Hồi 7 giờ ngày 24/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Nam Định-Ninh Bình khoảng 130km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 40km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong ngày và đêm 24/7, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Nam Đông Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 7 giờ ngày 25/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 50km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Trên biển, nguy hiểm từ vĩ tuyến 18 đến 20 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4 m; biển động. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2-4m.

Trong 2 ngày 25-25/7 ở Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 50-150mm, có nơi trên 150mm; ở Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to từ 50-80mm, có nơi trên 100mm.

Áp thấp nhiệt đới hình thành từ một vùng áp thấp ở Bắc Biển Đông từ ngày 17/7, sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rồi tiếp tục mạnh lên thành bão số 3, di chuyển vào đất liền các tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc) rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi trở ra Vịnh Bắc Bộ, đi dọc bờ biển các tỉnh miền Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, rồi ngược ra đảo Hải Nam và suy yếu.

Đây được đánh giá là cơn bão/áp thấp nhiệt đới có hướng di chuyển cực kỳ phức tạp do sự tương tác với cơn bão INFA ở phía Đông đảo Đài Loan. Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta nhưng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới vẫn gây gió mạnh các tỉnh ven biển cũng như mưa lớn khắp miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế trong nhiều ngày.

Để ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã yêu cầu 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy.

Chú ý đối với những khu vực tổ chức sơ tán dân, các địa phương  phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa phương; đồng thời rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Các tỉnh kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích