Tiếng Việt | English

31/05/2019 - 11:13

Phía sau những dự án “treo”

Bài 2: Bất cập ở nhiều khu dân cư - tái định cư

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là một quyết sách đúng đắn, góp phần tăng trưởng kinh tế tỉnh Long An. Đằng sau những dự án (DA) công nghiệp là vấn đề chăm lo, hỗ trợ tái định cư (TĐC) cho người bị thu hồi đất. Bên cạnh những DA hiệu quả, một số DA chậm triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Nhiều năm nay, hàng loạt hộ dân bị “kẹt” trong các DA khu dân cư (KDC) triển khai không hiệu quả hoặc những khu tái định cư (TĐC) “treo”. Với họ, giấc mơ về nhà mới dường như còn... xa lắm!

Khổ trăm bề!

Mỗi DA KDC, TĐC được hình thành đều bao gồm nhiều hạng mục công trình phụ kèm theo phục vụ đời sống người dân trong vùng DA. Bên cạnh một vài KDC, TĐC hiệu quả, trong tỉnh Long An vẫn còn nhiều DA KDC, TĐC kéo dài, hạ tầng dang dở, nhếch nhác khiến cuộc sống người dân rơi vào khó khăn.

Tại KDC Nhà vườn giai đoạn 2, 3 thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức do Công ty (Cty) Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An làm chủ đầu tư có diện tích 71,6ha với tổng số nền bố trí TĐC hơn 480 nền. Đến nay, DA đã thực hiện nhiều năm nhưng hạ tầng còn nhiều bất cập. Theo quan sát, khu TĐC này có duy nhất đường chính được trải nhựa, còn lại là trải đá xanh. Vài mái nhà xây dựng lưa thưa, cỏ mọc um tùm, bộ mặt trông khá nhếch nhác. Chị Vân (người dân sống tại KDC Nhà vườn) chia sẻ: “Chúng tôi nhiều lần phản ánh với chính quyền các cấp, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hệ thống thoát nước, cây xanh, điện,... trong KDC cũng chưa hoàn chỉnh”.

Khu dân cư Nhà vườn Thạnh Đức hạ tầng dang dở

Khu dân cư Nhà vườn Thạnh Đức hạ tầng dang dở

Tình trạng “thiếu đủ thứ” cũng xảy ra tại KDC - TĐC Thành Hiếu (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc). Người dân ở đây phản ánh, dù đã nhận nền, xây dựng nhà ở nhiều năm nhưng hạ tầng kỹ thuật còn rất hạn chế. Đường sá chưa được thảm nhựa, xuống cấp, thường xuyên ngập nước, cỏ mọc kín. An ninh, trật tự khu vực này không bảo đảm, điện, nước chưa được hoàn thiện. Chủ đầu tư cam kết nhiều lần, song không có nhiều thay đổi. Điều đáng nói, ở khu TĐC này, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diễn ra rất chậm. 

Theo Sở Xây dựng, phần lớn KDC, TĐC của các DA đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh qua nhiều lần giám sát của HĐND tỉnh có sự chuyển biến nhưng hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa hoàn chỉnh. Đó là đường chưa thảm nhựa, vỉa hè, cây xanh, hệ thống cấp điện, cấp nước, chiếu sáng,... chưa được thực hiện đầy đủ theo quy hoạch phê duyệt, chưa thực hiện đúng quy chế quản lý kiến trúc. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải tại các KDC, TĐC chưa được đầu tư với lý do tỷ lệ lấp đầy các hộ dân còn thấp.

Hơn 10 năm “Giậm chân tại chỗ”

Tại TP.Tân An, KDC ADC (phường 3) quy hoạch chi tiết đến nay gần 20 năm, song công tác giải phóng mặt bằng và thỏa thuận thêm của chủ đầu tư vẫn “giậm chân tại chỗ”, gây bức xúc cho người dân trong vùng DA. Ông Huỳnh Trung Lộc, ngụ phường 3, nói: “Mảnh đất của gia đình tôi đến nay vẫn do cha tôi đứng tên, dù ông đã qua đời. Nhà cửa xuống cấp, chúng tôi cũng không thể làm gì được vì đất vướng quy hoạch”. 

Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn thông tin, DA KDC ADC do Cty Cổ phần ADEC làm chủ đầu tư; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 do Ban Quản lý DA Xây dựng hạ tầng các KDC tỉnh thực hiện từ năm 2001 đến ngày 22/10/2007; giai đoạn 2 do Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng chuyên trách thị xã Tân An (nay là Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng TP.Tân An) thực hiện đến tại thời điểm này, diện tích còn lại chưa giải phóng mặt bằng trên 33.500m² của hơn 10 hộ và 1 tổ chức. 

Dự án Khu dân cư ADC kéo dài gần 20 năm

Đối với phần diện tích đất chưa bồi thường cho dân: Thực hiện theo Luật Đất đai 2013, ngày 29/11/2013; Nghị định 47-2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất; quy hoạch chung của UBND TP.Tân An được duyệt và Công văn số 1708/TCQLĐĐ, ngày 17/11/2015 của Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải quyết vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ TĐC khi Nhà nước thu hồi đất. Căn cứ Kết luận Thanh tra số 699/TB-UBND, ngày 02/3/2015 của UBND tỉnh việc chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng đất DA KDC ADC. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND TP.Tân An tuyên truyền, vận động các hộ dân về chủ trương của UBND tỉnh thu hồi đất xây dựng KDC để chỉnh trang đô thị theo quy hoạch được duyệt.

UBND thành phố tổ chức nhiều cuộc họp để vận động hộ dân chấp hành chủ trương, xây dựng KDC nhưng do vướng về đơn giá bồi thường thỏa thuận giữa Cty và người dân nên đến nay vẫn chưa thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân nói trên. Ngoài ra, Cty muốn thỏa thuận thêm một phần diện tích ngoài giao đất đợt 1 với 2 hộ Huỳnh Hữu Nghĩa (qua đời), đại diện con là Huỳnh Trung Lộc và Đinh Phục Ba (qua đời), đại diện là Đinh Thị Sương nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Bên cạnh đó, phía Cty chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nên chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất theo quy định làm ảnh hưởng đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong vùng DA. UBND thành phố tiếp tục phối hợp nhà đầu tư vận động các hộ dân chấp hành chủ trương để xây dựng KDC, đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chủ trì giải quyết dứt điểm trường hợp này trong thời gian sớm nhất./.

Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 47 DA có bố trí nền cho người dân TĐC với tổng diện tích gần 1.200ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa và TP.Tân An. Trong đó, có 17 DA cơ bản hoàn thành việc giao nền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân TĐC; 4 DA hoàn thành toàn bộ việc giao nền và cấp GCNQSDĐ cho chủ đầu tư nhưng chưa hoàn thành cấp GCNQSDĐ cho người dân; 20 DA đang thực hiện giao nền và cấp GCNQSDĐ cho người dân TĐC; 6 DA đang trong giai đoạn kê biên, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tổng số nền bố trí TĐC trên địa bàn tỉnh hơn 18.600 nền, trong đó giao cho người dân hơn 17.000 nền. Tỉnh cấp trên 15.900 GCNQSDĐ cho chủ đầu tư và hơn 14.200 GCNQSDĐ cho người dân. Số nền người dân xây dựng nhà ở hơn 4.100 nền. 

So với thời điểm HĐND tỉnh giám sát vào cuối năm 2017 có sự thay đổi: Tổng số DA cơ bản hoàn thành việc giao nền và cấp GCNQSDĐ cho người dân TĐC tăng 7 DA, tổng số nền TĐC giảm 626 nền (chủ yếu do người dân chuyển sang nhận TĐC bằng tiền), số nền đã giao cho người dân tăng 1.253 nền, số GCNQSDĐ cấp cho chủ đầu tư tăng 1.576 giấy, số GCNQSDĐ đã cấp cho người dân tăng 2.479 giấy, số nền đã xây dựng nhà ở tăng 838 nền. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An

(còn tiếp)

Song Nhi - Châu Sơn

Bài 3: Ngán ngẩm với dự án “ treo”

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích