Qua 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 góp phần mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao hơn cho nông dân (ND). Tuy nhiên, quá trình hoạt động, không ít HTX còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Nhiều bất cập
Sau thời gian triển khai, ở một số địa phương trong tỉnh, chính quyền các cấp vẫn chưa nắm rõ về HTX kiểu mới vì vậy công tác tuyên truyền còn hạn chế, dẫn đến người dân chưa thật sự “mặn mà”, tin tưởng vào loại hình này.
Nhận thấy có sự liên kết trong tiêu thụ nông sản, thế nhưng, ông Hồ Tấn Dũng, ngụ xã Long Khê, huyện Cần Đước, vẫn chưa tham gia HTX. Ông nói: “Gia đình tôi trồng rau từ nhiều năm nay (hiện có 3.000m2 trồng rau an toàn). Bao năm qua, tôi tự bán cho thương lái bên ngoài vì cảm thấy vào HTX... cũng như vậy! Là ND, nếu vào HTX thật sự được nhiều lợi ích, tôi sẽ suy nghĩ lại. Thế nhưng, hiện tôi còn rất nhiều băn khoăn về các HTX”.
Đó cũng là tâm trạng chung của một số ND khi chia sẻ về các HTX. Họ vẫn chưa hiểu rõ hết sự khác nhau giữa HTX kiểu mới với HTX kiểu cũ nên còn e ngại, chưa “mặn mà” tham gia.
Hợp tác xã kiểu mới hiện gặp nhiều khó khăn (Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp rau, củ, quả Khánh Hậu chăm sóc rau)
Là 1 trong 16 HTX điểm sản xuất ứng dụng công nghệ cao được tỉnh hỗ trợ, thế nhưng HTX Nông nghiệp rau, củ, quả Khánh Hậu, phường Khánh Hậu, TP.Tân An, vẫn “loay hoay” tìm lối đi. Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Trần Văn Minh thông tin, HTX được thành lập đến nay hơn 1 năm, có 24 TV tham gia với diện tích canh tác 11ha (trong đó có 2ha ứng dụng công nghệ cao). Thời gian qua, HTX được tỉnh quan tâm hỗ trợ phân bón, kỹ thuật, mở các lớp tập huấn, xây dựng vườn ươm,... Thế nhưng, HTX hoạt động chưa có hiệu quả, còn gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ thiếu vốn, HTX này còn nhiều thủ tục chưa hoàn tất, chưa có giấy chứng nhận Vietgap, chưa có trụ sở, nhà sơ chế,... HTX cũng chưa làm hết vai trò thu mua, ký hợp đồng ổn định với những đối tác tin cậy để bảo đảm đầu ra nên dẫn đến những TV của HTX không có sự liên kết, mạnh ai nấy bán (chủ yếu tại chợ phường 2). Ông Minh cũng nhận thấy được những hạn chế của HTX, song chưa tìm được hướng đi vì ND không “thiết tha” khi tham gia HTX.
Theo Trưởng phòng Kinh tế TP.Tân An - Đỗ Văn Thạch, thành phố hiện có 6 HTX nông nghiệp, trong đó chỉ có 1 HTX hoạt động tương đối hiệu quả, còn lại những HTX khác hoạt động trung bình, có HTX mới thành lập nên gặp rất nhiều khó khăn. Nhìn chung, HTX chưa làm tròn vai trò là đầu mối cung ứng dịch vụ đầu vào cũng như tìm đầu ra nông sản, vốn điều lệ chưa đạt 100%,...
Thiếu đủ thứ!
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, chưa đến 20% HTX có khả năng tự lực vốn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX rất hạn chế, chỉ 1% trên tổng số hơn 20.000 HTX trong cả nước có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Các HTX nông nghiệp tiếp cận vốn tín dụng còn khó hơn rất nhiều do không có tài sản bảo đảm. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều HTX tại Long An.
Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa, xã Phước Vân, huyện Cần Đước - Kiều Anh Dũng nêu, hầu hết các HTX nông nghiệp đều chưa có trụ sở, nhà xưởng sản xuất ổn định; chưa được hỗ trợ thuê đất lâu dài,... Những khó khăn này dẫn đến HTX chưa dám đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, từ đó, hiệu quả hoạt động chưa cao. Ngoài ra, việc vay vốn đối với các HTX cũng hết sức nan giải. Hầu hết các HTX đều khó khăn về vốn, chưa tiếp cận được nhiều tổ chức tín dụng, thiếu thông tin tư vấn về chính sách tín dụng, không có tài sản thế chấp,...
Còn Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu, huyện Châu Thành - Trương Quang An cho rằng, thi hành Luật HTX năm 2012, HTX cũng gặp không ít khó khăn về chính sách hỗ trợ và tiếp cận nguồn vốn nên dẫn đến không ít HTX hoạt đồng cầm chừng, đi đến phá sản.
Rất nhiều HTX hiện nay chưa có sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản
Một trong những khó khăn nữa đối với các HTX hiện nay là thiếu nguồn nhân lực để vận hành HTX hiệu quả. Qua khảo sát, hầu hết đại diện các HTX chia sẻ, cán bộ của HTX còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, đa số từ ND đi lên, chưa có năng lực quản lý, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường,... Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình độ Hội đồng Quản trị còn yếu kém (trình độ THPT trở xuống chiếm hơn 50%) dẫn đến khó khăn trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của HTX, phương án sử dụng lao động, hợp đồng lao động. Do lao động về làm việc tại HTX được hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng còn thấp nên HTX gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có trình độ đại học, cao đẳng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm cho biết: Ngoài thiếu vốn, các HTX còn gặp phải một số vấn đề khác. Đó là TV trên 1 HTX không nhiều, bình quân vốn góp của một TV không cao. Hoạt động HTX còn đơn điệu, chủ yếu cung ứng dịch vụ đầu vào; liên kết, tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, tham gia vào chuỗi liên kết giá trị không nhiều; chưa thật sự là cầu nối vững chắc liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản; chưa đại diện ND, TV HTX với doanh nghiệp; liên kết ND với HTX có nơi thiếu chặt chẽ, bền vững. Việc tham gia tiêu thụ hàng nông sản chủ lực của tỉnh đối với HTX còn ít, tỷ lệ HTX tham gia xây dựng cánh đồng lớn thấp, không ổn định.
Một số HTX hoạt động chưa bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật HTX. Lợi ích kinh tế mang lại cho các TV không cao nên hạn chế thu hút ND vào HTX. Một số HTX, TV HTX tồn tại chỉ mang tính hình thức. Năng lực quản lý, điều hành của ban quản lý HTX còn hạn chế, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, vẫn còn quản lý và hoạt động theo kinh nghiệm nên hiệu quả không cao. Nhiều ban quản trị chưa có tâm huyết với HTX nên chưa phát huy hết nội lực của mình và tự thân vận động vươn lên. Nhiều HTX chưa đủ khả năng tổ chức hoạt động cung ứng dịch vụ cho TV nên TV thiếu gắn bó với HTX. Các HTX chưa chủ động tháo gỡ khó khăn và chưa thực hiện vai trò tập hợp, liên kết ND gắn bó với HTX. Một số HTX còn tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Cũng còn một vài nơi thành lập HTX “non” để đạt tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới,...
Ông Liêm cho biết thêm, cơ chế, chính sách của Trung ương dành cho HTX tuy nhiều nhưng chưa thật sự đi vào cuộc sống. Sự quan tâm của chính quyền các cấp, tổ chức lao động còn hạn chế; một số HTX không tạo được chữ tín đối với ND. Những thủ tục hành chính để tín chấp vay ngân hàng còn gian nan,... là những “rào cản” lớn đối với các HTX kiểu mới./.
Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 65 HTX nằm trong vùng của chương trình, trong đó có 16 HTX điểm.
Toàn tỉnh có gần 200 HTX, có khoảng 150 HTX nông nghiệp với tổng vốn điều lệ hơn 154,2 tỉ đồng, trên 3.000 TV. Số lượng HTX thành lập tuy nhiều nhưng số HTX ngưng hoạt động và hoạt động ở mức trung bình, yếu chiếm tỷ lệ cao. Trong số đó, có khoảng 30 HTX hoạt động có doanh thu, 15 HTX ngừng hoạt động hoặc đang tiến hành giải thể. Số còn lại hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả.
|
(còn tiếp)
Thanh Nga
Bài cuối: Để Hợp tác xã kiểu mới phát triển bền vững