Tiếng Việt | English

29/10/2018 - 13:57

Hướng đi nào cho các hợp tác xã kiểu mới?

Bài 1: “Đòn bẩy”phát triển kinh tế

Ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng thường sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, theo nông hộ, việc tập hợp một lượng hàng hóa lớn khi có đơn hàng là điều không dễ dàng. Vì vậy, một phương thức tập hợp hàng hóa cùng với lực lượng sản xuất hiệu quả nhất vẫn là các hợp tác xã (HTX). HTX được Đảng xác định là một loại hình kinh tế tập thể và được tạo điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 (có hiệu lực vào 01/7/2013), nhiều HTX kiểu mới vẫn loay hoay trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”. Thiết nghĩ, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước để các HTX thật sự lớn mạnh, phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể.

Theo đánh giá và nhìn nhận của các cấp chính quyền hiện nay, trước xu thế hội nhập, kinh tế hộ gia đình, cá thể không thể tồn tại đơn lẻ. Chỉ khi tập hợp lại với nhau, tạo sự liên kết vững chắc, mới giúp nông dân (ND) giảm thiểu những chi phí không cần thiết, tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập,...

Thay đổi nhận thức

Phó Thủ tướng Chính phủ - Vương Đình Huệ từng phát biểu, HTX kiểu mới không đơn giản là sự thay đổi “từ chức danh ông chủ nhiệm HTX thành chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc HTX, mà là sự thay đổi từ bản chất"; khẳng định kinh tế hộ gia đình không bị “thui chột, mất động lực” khi tham gia HTX mà HTX kiểu mới còn làm gia tăng giá trị kinh tế của hộ gia đình.

HTX kiểu mới chính là chuyển cách tư duy sản xuất từ kiểu cũ sang kiểu mới. Theo đó, ND phải nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác và HTX, nhất là trong nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Thời gian qua, nhiều nông hộ tình nguyện tham gia HTX và phát triển sản xuất.

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Thịnh trồng rau trong hệ thống nhà lưới mang lại hiệu quả cao

Chồng qua đời sớm để lại 3 người con, một mình bà Trần Thị Mười, ngụ xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, phải làm lụng vất vả để nuôi các con ăn học. Với 0,5ha đất, bà trồng nhiều loại rau, bán cho thương lái nên thường bị ép giá. Từ khi tham gia HTX Nông nghiệp Phước Thịnh, rau của bà được thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 1.000 đồng/kg, giá cả luôn ổn định nên bà rất yên tâm. Suy nghĩ về HTX kiểu cũ và HTX kiểu mới, bà nói: “Trước kia, mô hình HTX kiểu cũ không thành công vì người ta có suy nghĩ "cha chung không ai khóc". HTX kiểu mới thành lập trên tinh thần tự nguyện, ăn chia rõ ràng, sòng phẳng. Người dân thấy có lợi cho gia đình và cả HTX nên họ tham gia”.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng, tham gia HTX, các thành viên (TV) không chỉ thay đổi về nhận thức, phương thức sản xuất mà còn thực hiện một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đạt nhiều kết quả. Vào HTX, mỗi TV sẽ được HTX cung ứng sản phẩm dịch vụ theo hợp đồng, được phân phối thu nhập theo mức độ sử dụng dịch vụ và hưởng phúc lợi của HTX,...

Đồng thời, mỗi tháng, ban quản trị đều tập huấn cho các TV về phương pháp sản xuất cũng như kỹ thuật quản lý nguồn nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, không còn sản xuất theo kinh nghiệm tự có như trước đây. Ngoài học tập kỹ thuật canh tác, mỗi hộ cá thể đều được cung cấp thông tin thị trường,... Từ đó, mỗi TV tự điều tiết sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Giúp nông dân làm giàu

Toàn tỉnh hiện có gần 200 HTX, trong đó có khoảng 150 HTX nông nghiệp (135 HTX đang hoạt động). Những HTX chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012, hiệu quả kinh tế mang lại cho các TV là không nhỏ.

Tham gia hợp tác xã, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân có thu nhập cao

Là đơn vị tiên phong tham gia mô hình cánh đồng lớn ở huyện Tân Hưng, HTX Nông nghiệp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các TV HTX. Hình thành từ năm 2005, những năm đầu, HTX này làm dịch vụ bơm tưới là chính. Sau đó, HTX Gò Gòn từng bước chuyển đổi cung cách làm ăn, phương thức hoạt động từ HTX kiểu cũ sang HTX kiểu mới, phát huy sức mạnh của tập thể, lợi nhuận tăng lên.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí cho biết, HTX không chỉ cung ứng đầu vào, giảm chi phí sản xuất, chất lượng giống bảo đảm mà còn sản xuất theo quy trình khép kín, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Người dân ở vùng quê này, cuộc sống phụ thuộc vào cây lúa, bao đời vất vả nên khi tham gia HTX, họ được nhiều lợi ích. Vào HTX, lợi nhuận trung bình khoảng 28 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với bên ngoài 5 triệu đồng/ha. Nhờ ND tin tưởng, từ diện tích cánh đồng lớn lúc đầu khoảng 460ha, nay tăng lên 560ha với 103 hộ tham gia. Toàn bộ diện tích trên được HTX Gò Gòn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, từ khâu chọn con giống đến quy trình sản xuất, canh tác đồng ruộng, thu hoạch,...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau thời gian triển khai Luật HTX kiểu mới làm cho các ngành, địa phương nhận thức về phát triển kinh tế tập thể được nâng lên, quan tâm hơn đến phong trào phát triển HTX nông nghiệp. Nhìn chung, lợi nhuận của người dân trong mô hình tham gia HTX cao hơn so với ngoài mô hình từ 2-3 triệu đồng/ha.

Hoạt động của HTX đa dạng và phong phú hơn từ dịch vụ cung ứng đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra, tham gia liên kết tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn đối với lúa và liên kết tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của địa phương: Rau, chanh, thanh long,...

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau màu tại huyện Cần Đước giúp nông dân làm giàu

Số HTX hoạt động hiệu quả tăng lên, tham gia làm tốt vai trò, nhiệm vụ góp phần đưa kinh tế tập thể của tỉnh phát triển. Một vài HTX tạo việc làm cho lao động nông thôn và một số nơi thật sự góp phần nâng cao thu nhập cho ND. Số ít HTX làm tốt vai trò gắn kết với ND trong xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn được thị trường chấp nhận,... Hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như lợi ích kinh tế của TV ngày càng được nâng cao; việc gắn kết với các chương trình, dự án, đề án phát triển KT-XH ở địa phương từng bước được thực hiện ở một số HTX.

Bên cạnh những kết quả các HTX đã đạt, hiện có không ít HTX hoạt động rất khó khăn, trong vòng luẩn quẩn, rất cần sự chung tay, tháo gỡ để thúc đẩy kinh tế tập thể cũng như HTX phát triển./.

Theo Luật HTX năm 2012, HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX. Điều quan trọng nhất của Luật HTX năm 2012 là quy định rõ hơn chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành và liên minh HTX.

Tại Long An, theo thống kê đến cuối năm 2017, doanh thu bình quân mỗi HTX đạt hơn 4 tỉ đồng (cả nước là 3,5 tỉ đồng/HTX); lãi bình quân trên 460 triệu đồng/HTX (cả nước hơn 200 triệu đồng/HTX) (năm 2018 chưa thể đánh giá do một số HTX đến thời điểm cuối năm mới báo cáo công khai tài chính).

(Nguồn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

(còn tiếp)

Thanh Nga

Bài 2: Còn nhiều “nút thắt”

Chia sẻ bài viết