Tiếng Việt | English

21/07/2020 - 11:23

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bài 2: Nâng cao chất lượng đào tạo

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ đòi hỏi xã hội phải có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước về kiến thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có tay nghề cao ở Long An vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh Long An.

Đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị đào tạo hiện đại, nâng cao chất lượng giáo viên, đội ngũ làm công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp,... là những biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao của tỉnh thời gian qua.

Trường Cao đẳng Long An luôn tạo điều kiện cho giáo viên tham gia Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm
Trường Cao đẳng Long An luôn tạo điều kiện cho giáo viên tham gia Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo

Hiện nay, toàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN)  (10 cơ sở công lập, chiếm 40%; 15 cơ sở ngoài công lập, chiếm 60%). Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, giai đoạn 2016-2020, Trường Cao đẳng Long An và Trường Trung cấp Nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã miền Nam được đầu tư 6 nghề trọng điểm (2 nghề cấp độ quốc tế; 2 nghề cấp độ khu vực ASEAN; 2 nghề cấp độ quốc gia) từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm - An toàn lao động giai đoạn 2016-2020. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước đầu tư 101,912 tỉ đồng (ngân sách Trung ương 28 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 73,912 tỉ đồng) xây dựng cơ sở vật chất, trang bị thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN công lập trên địa bàn tỉnh. Đến nay, cơ sở vật chất của các cơ sở GDNN của tỉnh cơ bản đáp ứng được quy mô đào tạo hiện tại.

Trường Cao đẳng Long An là trường công lập đào tạo nghề duy nhất của tỉnh, có 4 cơ sở gồm: Cơ sở chính tại TP.Tân An, Đồng Tháp Mười, Cần Giuộc và Đức Hòa. Trường được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 18ha; đồng thời có nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại, với tổng kinh phí trên 435 tỉ đồng. Giai đoạn 2020-2025, trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đầu tư thành trường cao đẳng chất lượng cao của cả nước, trong đó sẽ được đầu tư 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và Asean như Lắp đặt thiết bị cơ khí, Điện công nghiệp, Hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, với kinh phí trên 160 tỉ đồng.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng cho biết: “Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, Trường Cao đẳng Long An còn chủ động liên kết đào tạo với Trường Đại học Mở TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. Đồng thời, trường đang được hỗ trợ 1,7 triệu Euro từ tổ chức GIZ và được chuyên gia người Đức trực tiếp hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị. Hơn hết, sau khi thực hiện Đề án sáp nhập các cơ sở GDNN đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc luân chuyển giảng viên, trang thiết bị đào tạo. Với những thuận lợi trên, tỷ lệ tuyển sinh của trường năm sau cao hơn năm trước, chất lượng giáo dục nghề nghiệp ngày càng nâng lên.

Nâng cao chất lượng giáo viên

Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số giáo viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở GDNN gần 730 người, trong đó trình độ tiến sĩ 10 người, thạc sĩ 105 người,... Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề cho giáo viên được các cơ sở GDNN quan tâm triển khai thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 2016-2019, các cơ sở GDNN đã cử 420 lượt giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng (đào tạo sau đại học 19 người, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm 246 người, bồi dưỡng kỹ năng thiết kế bài giảng điện tử 31 người, bồi dưỡng kỹ năng biên soạn giáo án tích hợp 57 người, bồi dưỡng cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia 37 người, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề 30 người).

Nhờ tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian qua, nhiều giáo viên đạt được kết quả nổi bật trong các hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh và toàn quốc. Riêng năm 2019, tỉnh có 6 mô hình đoạt giải Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc như mô hình hệ thống phun dầu điện tử Commonrail Sanata Fe D4EA của tác giả Trần Minh Đức (Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính); sấy thực phẩm sử dụng bơm nhiệt kết hợp hồng ngoại của nhóm tác giả Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính; sửa chữa máy tính, máy in của nhóm tác giả Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đồng Tháp Mười; chiết rót - đóng nắp của nhóm tác giả Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đức Hòa; dây chuyền máy trộn sơn của nhóm tác giả Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đức Hòa và mô hình thực tập khí nén của nhóm tác giả Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Cần Giuộc.

Giáo viên Mã Kim Long - Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đức Hòa, cho biết: “Việc nghiên cứu và chế tạo các mô hình phục vụ công tác đào tạo nghề là việc làm rất cần thiết của các cơ sở GDNN hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Xuất phát từ yêu cầu trên, các giáo viên thuộc nhóm nghề Điện công nghiệp quyết tâm thực hiện thành công mô hình có tác dụng truyền tải và rèn luyện kỹ năng cho người học; phù hợp với chương trình đào tạo; khơi gợi được sự hứng thú cho học sinh và giáo viên. Ngoài ra, hàng năm, giáo viên còn chủ động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ít nhất 1 tháng nhằm cập nhật kiến thức, kỹ năng tay nghề, góp phần bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề trong đào tạo nghề”.

Với những thuận lợi trên, giai đoạn 2016-2020, các cơ sở GDNN tuyển sinh đào tạo nghề cho 113.041/108.046 người, đạt 104,62% kế hoạch 5 năm, tăng 15.216 người so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, cao đẳng 3.092 người, chiếm 2,73%; trung cấp 11.702 người, chiếm 10,35%; sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 98.247 người, đạt 86,92%. Có gần 90% học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo, đặc biệt là các nghề thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật như: Công nghệ ôtô, Cắt gọt kim loại, Hàn, Lắp đặt thiết bị cơ khí, Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí,…

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng GDNN góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh khẳng định: “Ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vị trí, vai trò của GDNN; phối hợp đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT sang học nghề; bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GDNN, nhất là tập trung đầu tư cho các trường có nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế theo quy hoạch của Trung ương, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDNN liên kết với doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo nghề, nhận học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp thực tập, tiếp cận công nghệ mới và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp; tiếp tục làm tốt cầu nối giữa học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp với các doanh nghiệp,...”.

Có thể thấy, Long An có rất nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tin rằng với sự nỗ lực và tiềm năng sẵn có, Long An sẽ là một trong những địa phương đứng đầu về tỷ lệ nguồn nhân lực có chất lượng cao của cả nước trong thời gian tới./.

(còn tiếp)

Ngọc Sương - Kim Ngọc 

Chia sẻ bài viết