Tiếng Việt | English

04/02/2020 - 18:25

Xuất khẩu lao động - 'Chìa khóa' giảm nghèo bền vững

Bài 2: Thu nhập khá nhưng không dễ đi

Giải quyết việc làm, giảm nghèo; thu nhập ổn định; học được nhiều kỹ năng sống; rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ;... là những ưu điểm của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động). Song, hiện nay, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần tạo đà cho xuất khẩu lao động phát triển nhanh, bền vững.

Năm 2019, toàn tỉnh có 479 người tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ). Con số này rất khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh (gần 1,7 triệu người, trong đó 900.000 người tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 53% dân số). Điều này cho thấy, XKLĐ có thu nhập khá nhưng không dễ đi. 

Hiện nay, Long An chưa có công ty, doanh nghiệp nào có chức năng đưa người tham gia xuất khẩu lao động, chủ yếu là các công ty, doanh nghiệp tại TP.HCM tuyển dụng

Hiện nay, Long An chưa có công ty, doanh nghiệp nào có chức năng đưa người tham gia xuất khẩu lao động, chủ yếu là các công ty, doanh nghiệp tại TP.HCM tuyển dụng

Thiếu vốn vay ưu đãi

Tỉnh xác định công tác XKLĐ là một trong những giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, số người tham gia XKLĐ còn rất khiêm tốn so với các tỉnh khác trong khu vực như Đồng Tháp, Vĩnh Long,... Chỉ tính riêng năm 2019, Đồng Tháp đưa hơn 1.700 người tham gia XKLĐ còn Long An chỉ có 479 người. Nguyên nhân chủ yếu, thời gian qua, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động tham gia XKLĐ. Trong khi đó, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ ưu tiên cho vay người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng. Còn những trường hợp đủ điều kiện vay vốn, Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn tạo điều kiện cho vay theo quy định của đơn vị. 

Tuy nhiên, từ năm 2018 trở về trước, mức cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 50 triệu đồng. Số tiền này chưa đáp ứng đủ chi phí của người lao động khi có nhu cầu tham gia XKLĐ. Theo thống kê từ năm 2014 đến tháng 3-2019, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chỉ giải ngân cho 18 lượt lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, với tổng doanh số cho vay trên 790 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm. Nguồn vốn này chủ yếu từ Trung ương phân bổ. 

Được biết, một số thị trường có sức hấp dẫn người lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... nhưng chi phí tham gia XKLĐ rất cao với mức dao động từ 100-140 triệu đồng. Đây là cả một gia tài đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là hộ nghèo, cận nghèo. Cụ thể, người nghèo không có tài sản thế chấp vay vốn thì không có khả năng tham gia XKLĐ. Hơn hết, người nghèo, người có thu nhập thấp mới có nhu cầu tham gia XKLĐ.

Ông Bùi Hoàng Nam, ngụ xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo nên không có điều kiện cho con học đại học. Sau khi tốt nghiệp THPT, con trai tôi có ý định đi XKLĐ nhưng gia đình không có tiền lo chi phí nên nó đành đi làm công nhân lương “ba cọc, ba đồng”. Vì vậy, đến nay, gia đình cũng chưa bớt khó khăn”. 

Người lao động "mù mờ" thông tin 

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa có công ty, doanh nghiệp trực tiếp làm công tác XKLĐ. Do đó, người lao động chủ yếu tìm kiếm các công ty, đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại TP.HCM. Trong khi đó, hoạt động lừa đảo của một số tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ ngày càng diễn biến phức tạp.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần XKLĐ Tracodi (TP.HCM) - Nguyễn Công Đỉnh cho biết: “Hiện nay, cả nước có rất ít công ty có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng có rất nhiều tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép hoạt động lại ngang nhiên tổ chức tuyển dụng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như không bảo đảm được chế độ, tiền lương cho người lao động; người lao động trốn việc, dẫn đến mất uy tín đối với thị trường lao động; người lao động mất tiền nhưng không đi XKLĐ được,... Do đó, người lao động trước khi có ý định tham gia XKLĐ phải tìm hiểu thông tin rõ ràng, cụ thể, nhất là tìm đến những đơn vị dịch vụ công hoặc các công ty có uy tín, chất lượng về XKLĐ”. 

Cách đây 3 năm, Dương Thị Hồng Gấm, ngụ xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, nghe lời giới thiệu của bạn bè tìm đến một công ty ở TP.HCM tham gia XKLĐ. Tại đây, Hồng Gấm phải nộp các chi phí hơn 70 triệu đồng. Song đến nay, công ty “biệt tăm, biệt tích” nên Hồng Gấm không đi XKLĐ được mà còn mất khoản tiền đã nộp. Hiện nay, Hồng Gấm phải làm thuê trong một siêu thị ở TP.HCM. Mẹ Hồng Gấm chia sẻ: “Gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thấy con gái quyết tâm đi XKLĐ, tôi đem cầm sổ đỏ 100 triệu đồng để có tiền cho con đi. Gần 3 năm qua, con gái tôi vẫn không đi XKLĐ được. Gia đình đã khổ, nay còn phải gánh thêm một khoản nợ từ ngân hàng”.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ rất ít nên hầu hết người lao động rất “mù mờ” về thông tin XKLĐ của tỉnh nhà. Đồng thời, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ. Chính những nguyên nhân trên làm công tác XKLĐ của tỉnh thời gian qua trầm lắng.

Nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trên, vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ vay vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện các bước cuối để thông qua Đề án XKLĐ. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh khẳng định: “Khi đề án XKLĐ được thông qua, người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ vay vốn tham gia XKLĐ. Chính sách này áp dụng cho các nhóm đối tượng: Nhóm 1, gồm người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng; nhóm 2, gồm người lao động là bộ đội, công an phục viên, xuất ngũ và người lao động thuộc hộ khó khăn về kinh tế được UBND xã, phường, thị trấn bình xét và xác nhận. Mức cho vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi trừ phần vốn vay từ nguồn vốn Trung ương. 

Trong đó, nhóm 1 không vượt quá 50 triệu đồng/người, nhóm 2 không vượt quá 150 triệu đồng/người. Các đối tượng thuộc nhóm 1 và 2 không cần có tài sản bảo đảm tiền vay. Lãi suất cho vay đối với nhóm 1 bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định. Lãi suất cho vay đối với nhóm 2 bằng 130% lãi suất cho vay đối với đối tượng nhóm 1. Mục tiêu của đề án đề ra giai đoạn 2020-2025, mỗi năm tỉnh phấn đấu đưa 1.000 lao động trở lên tham gia XKLĐ”. 

Dự kiến đầu năm 2020, Đề án XKLĐ giai đoạn 2020-2025 sẽ triển khai. Đây chính là chìa khóa tháo “nút thắt” về công tác XKLĐ của tỉnh trong thời gian qua./.

(còn tiếp)

Bài 3: Khởi động đề án xuất khẩu lao động

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết