Tiếng Việt | English

05/02/2020 - 17:50

Xuất khẩu lao động - 'Chìa khóa' giảm nghèo bền vững

Bài 3: “Khởi động” đề án Xuất khẩu lao động

Giải quyết việc làm, giảm nghèo; thu nhập ổn định; học được nhiều kỹ năng sống; rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ;... là những ưu điểm của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động). Song, hiện nay, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần tạo đà cho xuất khẩu lao động phát triển nhanh, bền vững.

Mặc dù Đề án Xuất khẩu lao động (XKLĐ) chưa thông qua nhưng đến nay, tỉnh đã ký kết được nhiều bản ghi nhớ về hợp tác lao động; đồng thời, có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng lao động đi XKLĐ. Đây là tiền đề giúp đề án triển khai hiệu quả.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham quan Công ty Cổ phẩn Xuất khẩu lao động Tracodi

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham quan Công ty Cổ phẩn Xuất khẩu lao động Tracodi 

Chủ động tìm thị tường chất lượng 

Hiện nay, người lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ chủ yếu tìm kiếm các công ty, doanh nghiệp tại TP.HCM. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xác định được vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ động tìm kiếm các công ty, doanh nghiệp có uy tín về XKLĐ. Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH có cuộc làm việc với Công ty Cổ phần XKLĐ Tracodi (quận 1, TP.HCM). 

Được biết, cuối năm 2017, Công ty Cổ phẩn XKLĐ Tracodi được thành lập trên cơ sở tách ra từ Khối XKLĐ trực thuộc Công ty Cổ phẩn Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi). Từ năm 2017-2019, Hiệp hội XKLĐ Việt Nam chứng nhận Công ty Cổ phần XKLĐ Tracodi xếp hạng 5 sao về thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giai đoạn 2015-2019, Công ty Cổ phần XKLĐ Tracodi đưa trên 5.000 lượt người đi XKLĐ, trong đó người lao động đi XKLĐ chủ yếu là Đồng Tháp và Vĩnh Long, còn Long An chiếm số lượng ít. 

Tại cuộc làm việc, Sở LĐ-TB&XH đã ký kết bản ghi nhớ tạo nguồn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với Công ty Cổ phần XKLĐ Tracodi. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Hồng Mai khẳng định: “Đây là một trong những doanh nghiệp được tỉnh Long An chọn hợp tác về XKLĐ. Vì vậy, việc ký kết tạo nguồn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giữa Sở LĐ-TB&XH và Công ty Cổ phẩn XKLĐ Tracodi là tiền đề quan trọng để xúc tiến XKLĐ. Hy vọng, thời gian tới, Long An và công ty phối hợp tốt trong công tác XKLĐ”.

Không chỉ quan tâm đến việc tìm công ty XKLĐ, tỉnh còn chú trọng tìm kiếm thị trường lao động, đặc biệt là những thị trường có chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc. Cụ thể, vừa qua, tại Hà Nội, đoàn công tác của tỉnh gồm Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cùng lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH có cuộc làm việc với đoàn công tác của tỉnh Ibaraki, Nhật Bản do Thống đốc tỉnh Ibaraki - Oigawa Kazuhiko làm trưởng đoàn. 

Tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An - Nguyễn Hồng Mai và ông Oigawa Kazuhiko cùng ký kết bản ghi nhớ hợp tác về lao động. Ông Oigawa Kazuhiko cho biết: “Tỉnh Ibaraki là địa phương phát triển hài hòa giữa công nghiệp và nông nghiệp tại Nhật Bản. Do già hóa dân số, địa phương đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trong hầu hết lĩnh vực. Hiện nay, tỉnh Ibaraki đang tiếp nhận khoảng 5.000 lao động người Việt Nam đến làm việc và vẫn mong muốn được tiếp nhận thêm lao động từ Việt Nam, trong đó có tỉnh Long An”.

 Ông Kazuma Saito (đại diện Trung tâm Hỗ trợ thực tập ngành hộ lý người nước ngoài Hyogo) đến Long An làm việc về công tác xuất khẩu lao động

Ông Kazuma Saito (đại diện Trung tâm Hỗ trợ thực tập ngành hộ lý người nước ngoài Hyogo) đến Long An làm việc về công tác xuất khẩu lao động
Cam kết hỗ trợ, tư vấn về xuất khẩu lao động 

Hiện nay, công tác XKLĐ tại Long An rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là các công ty, doanh nghiệp uy tín có chức năng đưa người lao động tham gia XKLĐ. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Đại Tánh chia sẻ: “Người lao động khi tham gia XKLĐ phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề nhất định. Trong khi đó, Long An còn hạn chế trong việc đào tạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Nhật, Hàn. Nếu người lao động học ngoại ngữ tại TP.HCM phải tốn rất nhiều chi phí. Vì vậy, Long An rất cần các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ tổ chức cho giáo viên trực tiếp xuống địa phương giảng dạy. Sở sẽ chỉ đạo Trường Cao đẳng Nghề Long An và Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An tạo điều kiện về trang thiết bị, phòng học, nơi ở cho giáo viên và học viên”.

Xác định được khó khăn của tỉnh trong việc dạy ngoại ngữ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn XKLĐ Tracodi - Nguyễn Công Đỉnh cam kết sẽ hỗ trợ Long An tổ chức tư vấn tuyển dụng lao động; sẵn sàng tiếp nhận lao động tại buổi tư vấn; phối hợp đưa Nghiệp đoàn Nhật Bản về địa phương trực tiếp tuyển dụng; tạo điều kiện cho người lao động được học tập ngoại ngữ, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết chuẩn bị trước khi tham gia phỏng vấn,...

Điều đáng mừng hiện nay có rất nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu đăng ký tuyển dụng lao động tại Long An. Cụ thể, ông Kazuma Saito (đại diện Trung tâm Hỗ trợ thực tập ngành hộ lý người nước ngoài Hyogo) đã đến Sở LĐ-TB&XH làm việc về công tác XKLĐ. Ông Kazuma Saito cho biết: “Bình quân mỗi năm, trung tâm có nhu cầu tuyển dụng khoảng 60 lao động. Khi tham gia lao động tại trung tâm, người lao động được tạo điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn. Còn mức lương, chế độ, thời gian hợp đồng tùy theo việc làm nhưng người lao động được thỏa thuận trước khi ký hợp đồng XKLĐ. Hơn hết, chế độ thực tập kỹ năng người nước ngoài còn góp phần vào công cuộc phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao kỹ thuật đối với các nước đang phát triển. Hy vọng, Long An sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu đi XKLĐ vào làm việc tại trung tâm”.

Bằng nhiều giải pháp, cách làm khác nhau, Long An đang khởi động Đề án XKLĐ. Đây là tiền đề khơi dậy tiềm năng XKLĐ của tỉnh. Ông Nguyễn Đại Tánh cho biết thêm: “Bên cạnh việc tìm kiếm thị trường lao động và các công ty, doanh nghiệp có uy tín về XKLĐ, thời gian tới, sở chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh xây dựng chỉ tiêu cụ thể; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về XKLĐ đến các cấp, các ngành và toàn xã hội; phối hợp Sở Tài chính, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn chính sách hỗ trợ vay vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài; phối hợp Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng quy chế quản lý người lao động tham gia XKLĐ,... Phương châm hoạt động của ngành là không chạy theo số lượng, đặt chất lượng lên hàng đầu, trong đó phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động tham gia XKLĐ”.

(còn tiếp)

Bài 4:Nhiều tiềm năng xuất khẩu lao động

Lê Ngọc

 

 
 
 
 
Chia sẻ bài viết