Tiếng Việt | English

05/04/2017 - 14:03

Bài cuối: Phòng, chống HIV/AIDS - Vẫn còn những thách thức

Phòng, chống HIV/AIDS chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cả cộng đồng. Ngoài những kết quả, việc phòng, chống HIV vẫn còn nhiều tồn tại, rất cần sự chung tay phối hợp của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Ổn định tình hình dịch HIV -  Giảm số người tử vong

Theo thông tin từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Long An, giai đoạn 2002-2004, thời điểm chưa triển khai điều trị ARV, mỗi năm, toàn tỉnh phát hiện từ 360-500 người nhiễm HIV. Từ năm 2009 - khi điều trị ARV được mở rộng, số người nhiễm mới mỗi năm chỉ khoảng 250 người. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân (BN) tử vong do AIDS so với giai đoạn chưa có ARV giảm hơn 70%. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.900 người nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị ARV. 

Cán bộ y tế xét nghiệm máu người nghiện chích ma túy để xác định tỷ lệ nhiễm HIV 

Phó Giám đốc Sở Y tế - Võ Văn Thắng nhận định: “Việc điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là 2 lĩnh vực đạt hiệu quả rõ rệt của công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. 10 năm qua, Long An nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các dự án của Bộ Y tế (VAAC-US.CDC và Quỹ Toàn cầu), đặc biệt là trang thiết bị, nguồn thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm và công tác đào tạo cán bộ.

ARV phải được điều trị hàng ngày và suốt đời. Vì vậy, nếu không có sự tài trợ này thì nhiều BN khó có thể tiếp cận điều trị đầy đủ vì giá thành khá đắt. Đối với công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, những năm qua, nhờ nguồn ngân sách của tỉnh, việc xét nghiệm cho thai phụ cũng đạt kết quả khá cao”.

Chị Võ Thị Trúc Giang (SN 1985), ở ấp Bình Trị 1, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành chia sẻ: “Tôi hiện đang mang thai gần 4 tháng. Trong những lần mang thai, tôi đều đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh để được tư vấn, thăm khám, xét nghiệm đầy đủ theo yêu cầu của bác sĩ, đặc biệt là xét nghiệm HIV nhằm bảo đảm thai kỳ được khỏe mạnh, an toàn”.

Những thách thức trong phòng, chống HIV/AIDS

Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng. Thế nhưng, công tác này vẫn còn nhiều trở ngại. Tại Long An, tỷ lệ nhiễm HIV đối với người nghiện chích ma túy gia tăng trong 3 năm liên tục (cao hơn các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ và chỉ số quốc gia). Tỷ lệ thai phụ nhiễm HIV (0,074%) cao hơn chỉ số khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (0,001%).

Bà L.T.U tại thị trấn Tân Hưng có 4 người đều nhiễm HIV. Tuy nhiên, cả 4 người không có giấy tờ tùy thân và khả năng tài chính để tham gia bảo hiểm y tế. Những trường hợp này, cần có sự quan tâm và chính sách đặc biệt của các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương.

Tư vấn bệnh nhân

Ngoài ra, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí Đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Các địa phương và các ngành, đoàn thể chỉ hoạt động khi có sự phân bổ kinh phí của tuyến tỉnh từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm. Nhân sự tại các cơ sở điều trị Methadone chưa bố trí ổn định là một trong những thách thức đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Theo Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Long An - thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, hiện tại công tác truyền thông cho người lao động tại các công ty, xí nghiệp chưa được quan tâm nhiều. Hoạt động can thiệp giảm tác hại: Phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cho các nhóm đối tượng dễ có hành vi lây nhiễm HIV bị thu hẹp. Vì vậy, rất cần có đội ngũ cán bộ tâm huyết để quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới đồng đẳng viên.

>> Xem thêm

Bài 2: Methadone - “Phao cứu sinh” cho người nghiện ma túy

Bài 2: Methadone - “Phao cứu sinh” cho người nghiện ma túy 

Cập Nhật 04-04-2017

Điều trị Methadone mang lại nhiều hiệu quả, được xem là giải pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV do tiêm chích trong nhóm người nghiện ma túy.

Thời gian tới, để phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả, mong rằng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế và Ban Điều hành Phòng, chống HIV/AIDS phía Nam tiếp tục hỗ trợ Long An đào tạo cán bộ, giám sát kỹ thuật, cải thiện chất lượng các chương trình dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Đối với tuyến tỉnh, cần cấp kinh phí Đề án bảo đảm cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để duy trì và bảo đảm sự bền vững, hiệu quả của chương trình,.../.

Ngọc Mận - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết