Ảnh minh họa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Chiều 28/12, Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 tiếp tục thảo luận sâu, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được năm 2015.
Buổi làm việc ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu quan trọng, góp phần hoàn thiện nhiệm vụ căn bản của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các biện pháp phấn đấu cao nhất hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2016.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 đã được Quốc hội thông qua gồm các chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%…
Chỉ tiêu tăng trưởng năm 2016 nhận được nhiều ý kiến quan tâm tại buổi thảo luận trên cơ sở phân tích kỹ kết quả đạt được và dự báo tình hình trong nước và quốc tế năm 2016. Tuy nhiên, các ý kiến thảo luận chưa đồng nhất việc có hay không nên nâng chỉ tiêu tăng trưởng lên trên mức đạt được của năm 2015 là 6,8%.
Nhóm vấn đề về các giải pháp, biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2016 cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu. Dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 của Chính phủ đề cập 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó nhiệm vụ số một là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dự thảo của Chính phủ cũng đặt ra những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ tiếp tục đặt quyết tâm tạo chuyển biến căn bản về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, tăng cường công tác thông tin truyền thông.
Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và tạo đà cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, cá nhân liên quan nỗ lực tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, phát luật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo bổ sung nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là những dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương đóng góp một số ý kiến đối với các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2016; đặc biệt là công tác chuẩn bị cho việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do để đảm bảo tính chủ động cho doanh nghiệp... Một số địa phương miền Trung kiến nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn cho địa phương triển khai các dự án chống hạn trong bối cảnh diễn biến thời tiết được dự báo còn khắc nghiệt, El Nino tác động mạnh đến Việt Nam, hạn hán sẽ còn tiếp diễn…
Cũng trong buổi làm việc chiều nay, các thành viên Chính phủ cũng báo cáo thêm về kết quả công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh; công tác quản lý Nhà nước về thông tin truyền thông và một số vấn đề an sinh xã hội khác.
Liên quan đến vắcxin ngừa bệnh, một vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thực chất vắc xin Quinvaxem có tác dụng phòng bệnh cao hơn vắc xin Pentaxim. Những trường hợp tử vong chủ yếu do liên quan đến quá trình vận chuyển, do sàng lọc trước khi tiêm và xử lý cấp cứu sau khi tiêm nếu có sự cố, Phó Thủ tướng lý giải.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành y tế tuyên truyền để người dân hiểu rõ; về lâu dài cần thống nhất áp dụng 1 hệ thống thay vì 2 hệ thống tiêm chủng vắxin mở rộng và dịch vụ như hiện nay.
Thông tin về tình hình an ninh, trật tự, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong năm 2014, tội phạm chống người thi hành công vụ nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng, tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Năm 2015 đã xảy ra 37 vụ, có 9 cảnh sát bị thương, còn trong 5 năm từ 2011-2015 có 231 vụ chống lại cảnh sát giao thông làm 1 cảnh sát hy sinh, 76 người bị thương.
Bộ Công an đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, tăng mức hình phạt để đảm bảo đủ sức răn đe, phòng ngừa chung; đồng thời tăng thẩm quyền cho những người thi hành công vụ, được sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ để bảo vệ bản thân trong trường hợp bị chống đối.
Ngoài ra, Đại tướng Trần Đại Quang cũng đề nghị tăng cường chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng liên quan phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để kịp thời có chủ trương, giải pháp xử lý ngay từ đầu; tăng cường đối thoại với nhân dân, chủ động phát hiện các bức xúc nảy sinh, không để phần tử xấu kích động gây phức tạp, không để tình trạng tụ tập đông người… nhất là dịp Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử Quốc hội khóa tới.
Dự kiến, sau phần thảo luận sáng 29/12, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu kết luận hội nghị quan trọng này./.
Quang Vũ/Vietnam+