Tiếng Việt | English

03/12/2018 - 11:33

Bánh ống gạo - món quà dân dã

Dường như bánh ống gạo không phải đặc sản của một địa phương nào và có từ khi nào không ai nhớ, nhưng ở mỗi nơi, món bánh ống gạo lại có hương vị riêng.

Mưu sinh

Vợ chồng chị Huỳnh Thị Thúy, cùng quê ở Sóc Trăng, chọn mảnh đất Thủ Thừa (tỉnh Long An) làm quê hương thứ 2 với nghề làm bánh ống gạo để mưu sinh. Trò chuyện cùng anh chị thì được biết, đây vốn là nghề cha truyền con nối - từ đời ông, cha và đến thế hệ chị cũng nối nghiệp. Chị Thúy chia sẻ: "Mỗi ngày, vợ chồng tôi thổi và bán hơn 100 bịch bánh. Nghề làm bánh ống gạo đã nuôi sống gia đình tôi từ xưa đến nay. Giờ thị trường có nhiều loại bánh nên nghề này không được ưa chuộng như trước đây. Tuy nhiên, vợ chồng tôi vẫn gắn bó cùng chiếc máy xay, thổi bánh ống gạo, nếu bỏ nghề thấy nhớ, tiếc lắm! Dù nghề này thu nhập không cao, có hôm bán được, có hôm không, thế nhưng, vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ chuyển sang nghề khác".

Một xe thổi bánh ống gạo

Tại một góc đường trên địa bàn xã An Thạnh, huyện Bến Lức, chúng tôi cũng thấy một xe thổi bánh ống gạo của một đôi vợ chồng còn khá trẻ. Anh Hoàng, 32 tuổi, cho biết: "Vợ chồng tôi mưu sinh bằng nghề này khoảng 3 năm nay. Ban đầu, cả 2 vợ chồng đều làm công nhân, nhưng cảm thấy vất vả quá, thế là dốc hết số tiền dành dụm trong mấy năm làm công nhân để mua máy làm bánh ống này hơn 7 triệu đồng. Nghề này tuy cực nhưng chủ động thời gian hơn. Mỗi ngày, vợ chồng tôi kiếm được vài trăm ngàn đồng. Nếu có người đem gạo và nguyên liệu đến, tôi vẫn nổ bánh thuê (tiền công làm 15.000 đồng/lít gạo)”.

Bánh có dạng ống tròn, bên trong rỗng, chiều dài cây bánh được cắt thành các khúc đều nhau tùy ý muốn. Bởi hình dạng của bánh giống như những chiếc ống nên được gọi là bánh ống, ở một số địa phương miền Trung gọi là bỏng ống, bỏng gạo, bỏng gậy hay bánh gạo nổ,... Bánh ống gạo mới thành hình cần để nguội, vì bánh rất xốp, giòn nên phải bỏ vào túi nylon buộc chặt để khỏi bị mềm.

Chú Nguyễn Văn Thăng, 56 tuổi, một người bán bánh ống gạo dạo trên xe máy ở gần chợ Hòa Phú, huyện Châu Thành, chia sẻ: "Tôi không có tiền đầu tư mua máy thổi bánh ống gạo nên lấy từ các xe họ làm rồi đi bán lại. Mỗi ngày, tôi bán hơn 100 bịch bánh ống; mỗi bịch 10.000 đồng, tôi lời được 2.000 đồng. Nếu chịu khó chạy vào trong các xóm, ấp thì có thể bán được nhiều hơn, có khi mỗi ngày kiếm được 400.000-500.000 ngàn đồng".

Món quà quê dân dã

Mấy năm gần đây, một số người dân từ các vùng quê lên thành thị đã mang theo nghề thổi bánh ống gạo để mưu sinh. Trên đoạn Đường tỉnh 825 của huyện Đức Hòa, có đến 2-3 điểm làm bánh ống gạo trên vỉa hè. Giá 1 bịch bánh ống gạo chỉ 10.000 đồng. Bạn có thể lựa chọn loại bánh ống làm từ gạo lứt hoặc gạo có thêm đậu xanh, đậu phộng, dừa khô, màu thực phẩm,... Mỗi loại đều có một hương vị riêng biệt, ăn thơm, giòn tan và vui miệng.

Trao đổi cùng chúng tôi, bà Lê Thị Quặng, 57 tuổi, cùng chồng làm bánh ống gạo bán ở ven đường, cho biết: "Quê tôi ở An Giang, vợ chồng tôi theo nghề này gần chục năm rồi, sống theo xe thổi bánh ống gạo luôn. Chúng tôi cứ đi từ tỉnh này sang tỉnh khác để thổi bánh ống gạo bán dạo. Cách đây gần 20 năm, lúc đó đời sống người dân chưa được như bây giờ thì nghề này đắt lắm. Một số nơi, người ta còn làm được cả bánh ống có phần cây xoắn ở bên trong, chứ không đơn thuần là những chiếc bánh rỗng ruột. Dù có nhiều loại bánh khác thì đây vẫn là món quà quê rất "lành" vì nguyên liệu chính chỉ từ gạo".

Chị Chương Thị Huệ mưu sinh với nghề làm bánh ống

Chị Chương Thị Huệ, bán bánh ống gạo ở Quốc lộ 1, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, cho biết thêm: "Để làm ra những chiếc bánh ống gạo thơm ngon và có màu sắc đẹp mắt phải qua nhiều công đoạn. Người ta sẽ cân, trộn từng lon gạo với các loại gia vị: đậu xanh, đường, muối, dừa khô,... rồi cho vào chiếc cối to của máy nổ, khi máy chạy, nguyên liệu sẽ tự động chạy đến trục xoay, được nướng chín tại đây, kết dính lại và cho ra sản phẩm qua một cái ống. Chiều dài cây bánh được cắt theo ý muốn".

Em Huỳnh Nguyễn Ngọc Linh - học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức, tâm sự: "Ngoài bánh tráng trộn, trà sữa thì bánh ống gạo còn là món ăn vặt yêu thích của một số bạn trẻ. Món quà quê này hiện nay cũng được bày bán nhiều ở thành phố với giá khoảng 10.000 đồng/bịch
nên các bạn trẻ rất thích".

Dạo quanh các sạp hàng bánh kẹo trong các chợ sẽ dễ dàng tìm được món bánh ống gạo này. Người ta còn có thể tự chuẩn bị nguyên liệu rồi mang đến những nơi có máy thổi bánh để đặt làm những bịch bánh thơm ngon, và những bịch bánh ống thơm ngon sẽ có ngay trong khoảng 10-15 phút.

“Không phải ai làm bánh ống cũng ngon, quan trọng là biết cách trộn các nguyên liệu cho đều, canh độ nóng của máy để bánh vừa chín tới, gạo xay phải có độ dẻo vừa phải thì bánh mới có đủ độ xốp, giòn, thơm,...” - chị Huỳnh Thị Thúy, bán bánh ống ở ngã ba Bình Ảnh, thông tin thêm.

Món bánh dân dã này luôn gợi lại ký ức tuổi thơ của rất nhiều người, một thời tuy vất vả, thiếu thốn nhưng bình dị. Thuở nhỏ không có tiền mua quà vặt, xin mẹ lon gạo nhà có sẵn, chạy ù ra chỗ máy thổi bánh ống rồi hí hửng ôm bịch bánh ống chạy về chia cho bạn bè./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Tranh hoa sen mạ vàng Cao cấp https://nutscorner.net/gio-qua-tet/ Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầuCông thức làm Pudding trứng Cách nấu Chè khúc bạch đơn giản
Liên kết hữu ích