Nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường bộ cao
Thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh địa phương. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều bất cập, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT, nhất là trong mùa mưa, bão.
Ở TP.Tân An, mỗi khi trời mưa lớn, nhiều tuyến đường, hẻm bị ngập nước. Nhiều phương tiện lưu thông trên những tuyến đường này bị tắt máy, người điều khiển phương tiện giao thông phải dắt bộ, bì bõm lội nước. Trong đó, phải kể đến những điểm ngập trên đường Phạm Văn Chiêu, Quốc lộ (QL) 62,... dễ gây té ngã cho người tham gia giao thông khi vấp phải ổ gà, ổ voi, vật cản trên đường bị nước che khuất.
Mùa mưa, mặt đường bị đọng, ngập nước gây cản trở phương tiện lưu thông và nguy hiểm cho người tham gia giao thông
Hay trên một số QL, đường tỉnh, vào mùa mưa, người đi đường lo lắng khi chứng kiến những vụ TNGT do mặt đường trơn trượt, không có hệ thống thoát nước nên đường bị ngập, dẫn đến người điều khiển phương tiện lấn làn đường, gây tai nạn. Qua ghi nhận trên QLN2 và QL62, đoạn qua huyện Thạnh Hóa, thời gian qua, cứ trong và sau những cơn mưa, nhiều vụ TNGT xảy ra, một số vụ xe tải bị trượt bánh, lao xuống lề đường, lật ngang.
“2 tuyến đường này những năm gần đây xảy ra nhiều vụ TNGT. Vào mùa mưa, bão thì nguy cơ càng tăng cao do đường hẹp, mặt đường xuống cấp. Thời gian qua, tỉnh nhiều lần kiến nghị nâng cấp, mở rộng 2 tuyến đường này” - Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On cho biết.
Ngoài ra, theo Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, trên một số tuyến đường tỉnh còn nhiều cây cầu gỗ, cầu sắt. Vào mùa mưa, mặt cầu trơn trượt, nguy cơ xảy ra TNGT càng cao. Trong đó phải kể đến tuyến Đường tỉnh 831 từ thị xã Kiến Tường về huyện Tân Hưng còn gần 10 cây cầu gỗ, mặt sắt. Khi đi qua cầu gỗ trên tuyến Đường tỉnh 831 lúc trời mưa, có trường hợp phụ huynh chở con nhỏ ngồi sau, xe máy bị trượt bánh nên té ngã. Vụ tai nạn làm đứa trẻ rơi xuống kênh và bị đuối nước.
Bên cạnh đó, vào lúc trời mưa, mặt đường trơn trượt, có những đoạn bị ngập nước nhưng nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn phóng nhanh, chạy ẩu, lấn làn đường, quay đầu xe không đúng quy định,... Ngoài ra, theo Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Thanh Sơn, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, chở hàng quá trọng tải cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT, nhất là vào mùa mưa vì làm cho tầm quan sát bị hạn chế.
Những yếu tố bất cập trên càng làm tăng nguy cơ xảy ra TNGT dẫn đến thương, vong. 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an trong tỉnh phát hiện 23.504 trường hợp vi phạm, lập biên bản xử phạt 26,98 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe 2.243 trường hợp.
Lấn chiếm hành lang đường bộ, lòng, lề đường là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông đường thủy vẫn tiềm ẩn
Trên tuyến đường thủy nội địa Long An, tỉnh có 3 tuyến đường sông lớn là Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, dài khoảng 330km (do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý) kết nối với các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều tuyến khác do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý như sông Cần Giuộc, kênh Nước Mặn, kênh Tháp Mười số 1, kênh Thủ Thừa,... Cùng với đó, tỉnh trực tiếp quản lý 31 tuyến kênh, rạch, dài khoảng 500km, chủ yếu ở các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Dọc 2 bên hệ thống giao thông đường thủy do Trung ương quản lý, có 303 bến bãi; hệ thống đường thủy do tỉnh quản lý có 74 bến bãi. Những bến bãi này chủ yếu tập kết vật liệu xây dựng, kinh doanh nhiên liệu và xay xát,... Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 128 bến khách ngang sông, trong đó có 2 bến phà lớn chở được ôtô là phà Tân Thanh, huyện Cần Giuộc (qua sông Cần Giuộc) và bến phà Long Cang, huyện Cần Đước (qua sông Vàm Cỏ Đông). Với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, hàng ngày lưu lượng tàu, thuyền, sà lan lưu thông qua lại chở hàng hóa rất lớn.
Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Long An - Đinh Công Khanh cho biết: “Nguy cơ TNGT đường thủy vẫn tiềm ẩn, nhất là vào mùa mưa, bão”. Các bến đò, bến phà ngang sông đều trang bị áo phao nhưng nhiều hành khách qua đò, phà chưa nâng cao ý thức trong việc mặc áo phao. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn những bến đò ngang chở khách với quy mô nhỏ không có giấy phép hoạt động. Qua kiểm tra, còn phát hiện những trường hợp vi phạm liên quan đến chở quá tải, có phương tiện hết hạn đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn.
Tăng cường kiểm tra tại các bến khách ngang sông
Thời gian gần đây, TNGT đường thủy vẫn tiềm ẩn như vụ đâm xuồng máy trên sông Vàm Cỏ Tây, đoạn qua xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa vào sáng ngày 25/02 làm 1 người tử vong. Gần đây nhất, ngày 15/5, trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, xảy ra vụ lật sà lan làm 2 người chết. Vào ngày 12/5, một chiếc sà lan lớn chở nhiều hàng hóa có chiều cao vượt mức va vào cầu Kinh Nước Mặn, huyện Cần Đước. Vào đầu tháng 7/2019, một sà lan chở đá va vào trụ cầu và bị chìm ở đoạn sông Vàm Cỏ thuộc xã Tân Chánh, huyện Cần Đước. Theo Phòng Cảnh sát giao thông, 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện 1.117 trường hợp vi phạm pháp luật giao thông đường thủy nội địa, phạt 2,295 tỉ đồng.
Với mục tiêu giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT, các cấp, lực lượng chức năng xác định phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Công an tỉnh và Sở Giao thông Vận tải xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra liên ngành về việc thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Thời gian thực hiện kế hoạch từ ngày 15/4/2019 đến hết năm 2019. Theo kế hoạch này, có 6 chuyên đề được đưa ra để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On nhấn mạnh, trong mùa mưa sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông. Qua đó, đề xuất và kiến nghị giải quyết những bất cập về hạ tầng giao thông như hư hỏng, ngập nước, xử lý điểm đen TNGT, lắp đặt biển báo, đèn tín hiệu. Ở những công trình đang thi công thì thường xuyên nhắc nhở đơn vị thi công thực hiện tốt rào chắn, điều tiết giao thông. Hiện nay, tỉnh kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng, nâng cấp một số hạng mục công trình giao thông xuống cấp cũng như xử lý một số điểm bất cập về giao thông.
Vào mùa mưa, bão, nguy cơ xảy ra TNGT đường bộ lẫn đường thủy nội địa là rất lớn. Vì vậy, ngoài sự tăng cường kiểm tra, xử phạt của ngành chức năng, người tham gia giao thông phải cẩn thận, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nhằm hạn chế TNGT xảy ra./.
6 tháng đầu năm 2019, tai nạn giao thông xảy ra 98 vụ làm chết 61 người, bị thương 91 người. Trong đó, có 1 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 4 người chết và 16 người bị thương. 6 địa phương có số người chết tăng so với cùng kỳ: Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Bến Lức, Châu Thành, Thủ Thừa và TP.Tân An. |
Lê Đức