Cơ sở bánh, mứt đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu
Bảo đảm an toàn thực phẩm từ bánh, mứt
Hiện nay, các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo tại các làng nghề truyền thống trong tỉnh đang tập trung sản xuất nhằm kịp cung cấp hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Các loại bánh, kẹo, mứt ngày càng phong phú, đa dạng hơn cả về số lượng, mẫu mã và chủng loại, song thực phẩm có bảo đảm ATTP hay không là vấn đề người tiêu dùng rất quan tâm. Với thâm niên gần 30 năm làm mứt tết, Cơ sở sản xuất mứt Huỳnh Ngọc Lan (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) mỗi mùa tết đều cung ứng cho thị trường trên 10 tấn mứt gừng và me. Sản phẩm làm ra chủ yếu để giao cho các nhà phân phối và đại lý với giá 100.000 đồng/kg mỗi loại. Theo bà Lan, từ giữa tháng 8 âm lịch, cơ sở đã bắt đầu sản xuất mứt tết. Nguyên liệu làm mứt chủ yếu có nguồn gốc từ các nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang. Khẳng định về chất lượng cũng như ATTP, bà Lan nhấn mạnh: “Cơ sở bảo đảm đủ tiêu chí ATTP trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng mứt tết. Tất cả nguyên liệu làm mứt đều có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Cơ sở sử dụng nguồn nước máy hợp vệ sinh, trong lúc sơ chế sản phẩm, công nhân mang bao tay đầy đủ. Bên cạnh đó, cơ sở còn trang bị thêm hệ thống màn giăng tự động để tránh ruồi, bọ khi phơi mứt. Mứt sau khi phơi đủ nắng được đóng hộp ngay, kèm nhãn hiệu ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng nên bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng”. Được biết, nhiều năm liền, sản phẩm mứt tết của Cơ sở Huỳnh Ngọc Lan được Sở Y tế công nhận bảo đảm ATTP.
An toàn thực phẩm tại làng nghề bánh tráng ở phường 5, TP.Tân An luôn được quan tâm
Những ngày này, làng bánh tráng ở khu phố Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2, phường 5, TP.Tân An, nhộn nhịp hẳn lên. Hiện nơi đây có khoảng 80 hộ dân theo nghề làm bánh tráng, đa số làm thủ công. Với chất liệu chính là bột gạo thông thường nhưng bằng sự tỉ mỉ, cần cù, người dân của làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa đã tạo ra một loại bánh tráng mang đậm nét đặc trưng riêng, được khắp nơi ưa chuộng. Bánh được làm theo cách truyền thống, với độ mềm, dẻo, không sử dụng hóa chất và bảo đảm ATTP. Ông Hồ Văn Chiến (khu phố Nhơn Hoà 2), chia sẻ: “Đây là nghề truyền thống của gia đình gần 20 năm nay. Dịp tết này, bánh làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Thậm chí, thương lái còn đặt tiền cọc trước các chủ lò để mua được bánh. Bánh tráng ở đây luôn đặt ATTP lên hàng đầu”. Cũng như ông Chiến, bà Trần Thị Bạch (khu phố Nhơn Hòa 1) có hơn 3 đời gắn bó với nghề truyền thống này. Bà Bạch nói: “Nghề làm bánh tráng không khó nhưng công việc đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ. Hầu như từ trước đến nay, người dân chủ yếu làm thủ công. Những năm gần đây, nhiều người làm bánh mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề ATTP vẫn luôn được bảo đảm để tránh ảnh hưởng uy tín làng nghề”.
Bánh tráng tại làng nghề luôn được người tiêu dùng ưa chuộng dịp tết
… đến cơ sở sản xuất thực phẩm
Bên cạnh bánh, mứt, các sản phẩm lạp xưởng, nem, chả, bò khô,... chủ yếu sản xuất theo kiểu thủ công hộ gia đình nhỏ, lẻ với điều kiện hạn hẹp về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người, bảo quản, thế nên công tác bảo đảm ATTP được người tiêu dùng rất quan tâm. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, Cơ sở sản xuất lạp xưởng Thanh Long (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) dự kiến cung ứng cho thị trường tết hơn 10 tấn lạp xưởng các loại. Bà Văn Thị Lệ Thanh - chủ Cơ sở sản xuất lạp xưởng Thanh Long, chia sẻ: “Để chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường Tết Nguyên đán, cơ sở đã đầu tư máy móc hiện đại như máy dồn hơi, máy sấy điện công suất 900kg, thời gian sấy là 3 ngày/mẻ và máy ép chân không bảo quản được 2 tháng, để vừa tăng công suất, vừa không gây tiếng ồn và giảm chi phí, lao động. Cơ sở nhập nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, cơ sở còn đầu tư thêm việc in ấn mẫu mã mới, để cạnh tranh với hàng hóa thực phẩm ngoại nhập đang tràn lan trên thị trường”. Nhận xét về thị trường tết năm nay, bà Thanh cho biết, người tiêu dùng ngày càng ý thức và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chất lượng, ATTP. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong xu hướng tiêu dùng thực phẩm hiện nay.
Các cơ sở sản xuất lạp xưởng luôn bảo đảm an toàn thực phẩm
Tại Cơ sở sản xuất lạp xưởng Cô Châu (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước), việc bảo đảm ATTP cũng được chú trọng. Để chuẩn bị cho mùa tết năm nay, cơ sở đầu tư máy sấy, máy hút chân không,... với số tiền gần 1 tỉ đồng. Hiện cơ sở đang sản xuất lạp xưởng sạch theo công nghệ mới. Bên cạnh đó, cơ sở sẽ cung cấp thêm nhiều mặt hàng phục vụ thị trường tết và tăng công suất lên 400kg/ngày. Lạc quan với mùa tết năm nay, cơ sở quyết định tăng 130% sản lượng so với năm trước. Bà Lưu Thị Kim Châu - chủ Cơ sở sản xuất lạp xưởng Cô Châu, cho biết: “Trong quá trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào như thịt nạc, lòng non, mỡ,... đều được cơ sở lấy từ lò giết mổ có giấy kiểm dịch hàng ngày nên rất bảo đảm. Còn nhân công khi làm đều được trang bị đầy đủ những thiết bị bảo hộ, bảo đảm ATTP và trước khi vào làm đều được khám sức khỏe cẩn thận. Đối với cơ sở, bên cạnh uy tín và lợi nhuận, chất lượng cũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu”./.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán, tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm để kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và dịch vụ ăn uống từ ngày 07 đến 30/01/2019 ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đến nay, đoàn chưa phát hiện có trường hợp vi phạm nghiêm trọng. |
Huỳnh Phong - Bùi Tùng