Với những chính sách ngày càng được mở rộng, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, bảo hiểm y tế thực sự khẳng định vai trò an sinh xã hội của mình
“Người đồng hành” thầm lặng
Đến nay, ông Nguyễn Văn Lê (phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) đã khỏe hơn nhiều, có thể đi lại quanh nhà, tự sinh hoạt cá nhân. Sau cơn đột quỵ thập tử nhất sinh, với ông Lê, hồi phục đến như vậy thực sự vừa là may mắn, vừa là kỳ tích. Hơn 20 ngày nằm điều trị tại phòng hồi sức tích cực, có lúc gia đình đã phải chuẩn bị tâm lý “đưa ông về nhà”. Với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Long An và ý chí bản thân, ông Lê dần dần hồi phục.
Chi phí gia đình chi trả cho gần 1 tháng điều trị của ông là khoảng 30 triệu đồng. Nhưng trên thực tế, con số đó cao hơn rất nhiều và đã được BHYT chi trả. Ông Lê cho biết: “Cả nhà tôi ai cũng có BHYT. Mua đều đặn từ trước tới giờ như một cách bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đâu ai biết được sức khỏe mình ra sao, như tôi bị đột quỵ cũng là chuyện bất ngờ”. Nếu không có BHYT chi trả, mức viện phí gia đình ông Lê phải đóng lên đến trên 140 triệu đồng. Một con số không hề nhỏ!
Trường hợp như ông Lê không hề hiếm. Chỉ trong 6 tháng năm 2020, BHXH tỉnh chi trả chi phí cho trên 1,3 triệu lượt người khám, chữa bệnh bằng BHYT, với mức chi phí trên 306 tỉ đồng. BHYT thực sự là tấm “bùa hộ mệnh” cho sức khỏe của người dân. Bà Huỳnh Thị Kim Chi (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) kể: “Hầu như tháng nào tôi cũng đi bệnh viện khám và lấy thuốc BHYT. Tôi có chứng đau khớp kinh niên
nên phải uống thuốc thường xuyên. Có BHYT tôi thấy đỡ dữ lắm! Mỗi năm, dù gì đi nữa tôi cũng cố gắng dành một khoản tiền mua BHYT. Có nó, tôi thấy yên tâm hẳn”. Bà Chi sống một mình, thu nhập không nhiều nên với bà, điều quý nhất, cần thiết nhất chính là BHYT.
BHYT ngày càng trở nên phổ biến. Người dân quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe và mua BHYT để phòng thân, bởi những lợi ích thiết thực mà chính sách này mang lại. Người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí khám, chữa bệnh, tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi.
Thay đổi để hợp với dân
Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có trên 1,4 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 45.000 người so với năm 2019. Điều đó thể hiện sự quan tâm của người dân với BHYT ngày càng cao. Trong 6 tháng đầu năm, Tân Trụ có 92% hộ dân sử dụng BHYT, là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân tham gia BHYT cao trong tỉnh. Để có được kết quả đó, cần sự nỗ lực của cả hệ thống và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong huyện.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Tân Trụ - Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, BHXH huyện chủ động tham mưu Huyện ủy, UBND huyện và phối hợp các ban, ngành liên quan trong chỉ đạo và thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, BHXH huyện luôn nỗ lực phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền. Bà Liên nói: “Để công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả, BHXH thiết lập các nhóm đối tượng cụ thể để đưa ra phương thức tuyên truyền phù hợp cũng như đẩy mạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp, phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Khi người dân nắm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và quyền lợi được hưởng sẽ tự nguyện tham gia giúp đối tượng phát triển bền vững”.
Theo bà Liên, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện giao dịch điện tử cũng là một trong những nguyên nhân giúp người dân dễ dàng tiếp cận BHYT nói riêng và các dịch vụ BHXH nói chung. Đến thời điểm này, các đơn vị, đại lý BHYT có thể tiến hành nộp hồ sơ trực tuyến thay vì nộp hồ sơ giấy. Cá nhân khi mất BHYT có thể khai báo trực tuyến để yêu cầu làm lại thẻ. Thẻ mới sẽ được giao tại nhà thông qua bưu điện nếu người dân có nhu cầu. Không chỉ vậy, hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho BHYT còn được thực hiện thông qua mạng xã hội, một kênh hiệu quả để tiếp cận người dân, đặc biệt là người trẻ. Chị Trương Thị Thanh Loan (chuyên quản dịch vụ BHYT/BHXH Bưu điện huyện Tân Trụ) cho biết: “Nộp hồ sơ trực tuyến giúp giảm được nhiều thời gian cho tôi. Hiện nay, thủ tục mua BHYT cũng đơn giản hơn nhiều nên tạo thuận lợi cho người dân”.
Người dân ngày càng nắm rõ quyền lợi khi mua BHYT. Với mức đóng không cao nhưng lúc không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải tốn chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu, nghèo. Quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT hiện nay tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật, để bảo đảm tối đa quyền lợi của người khám, chữa bệnh BHYT. Chính vì vậy, khách hàng của chị Loan đa phần là khách hàng cũ duy trì mua lại BHYT hàng năm.
Có thể thấy, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò an sinh xã hội giúp người dân khi bị ốm đau, tai nạn không bị rơi vào cảnh nghèo đói. Hy vọng rằng, BHYT sẽ sớm hoàn thành mục tiêu “bao phủ” toàn dân, góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và nhân dân./.
Phương Phương