Rủi ro do bão Mặt trời gây ra đang tăng lên (Ảnh: Earth.com)
Khi các hạt năng lượng cao từ Mặt trời đến Trái đất, chúng tương tác với bầu khí quyển, đôi khi tạo ra những "màn biểu diễn" ánh sáng ngoạn mục.
Tuy nhiên, chúng cũng có thể ảnh hưởng đến lưới điện và vệ tinh, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng.
Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) sử dụng thang đo từ G1 đến G5 để phân loại cường độ của các cơn bão địa từ. Các tác động sẽ nghiêm trọng hơn ở mức cao hơn, với những cơn bão mạnh nhất có thể đe dọa từ tín hiệu radio cho đến toàn bộ hệ thống mạng.
Những nguy hiểm tiềm tàng của bão Mặt trời
Nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro do bão Mặt trời gây ra đang tăng lên do thế giới ngày càng phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến.
Chu kỳ hoạt động Mặt trời hiện tại dự kiến sẽ đạt đỉnh cường độ vào năm 2025, khiến các nhà khoa học phải cảnh giác.
Tiến sĩ Kęstutis Ikamas từ Đại học Vilnius (Lithuania) chỉ ra rằng những khu vực có mạng lưới điện lớn, như Mỹ và Canada, rất dễ bị tổn thương.
Ông đã nghiên cứu tính khó lường của bão Mặt trời và nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp bảo vệ trên diện rộng.
"Một cơn bão địa từ mạnh có thể làm tê liệt các hệ thống quan trọng như điện, cung cấp nước và viễn thông, dẫn đến tình trạng mất điện kéo dài, đứt quãng thông tin liên lạc và đình trệ hoạt động logistics", tiến sĩ Ikamas giải thích, đồng thời cảnh báo rằng trong trường hợp xấu nhất, sự gián đoạn có thể kéo dài nhiều tháng.
Các quốc gia lớn đối mặt rủi ro cao hơn
Những đường dây điện kéo dài hàng ngàn dặm qua một số khu vực khiến chúng dễ bị ảnh hưởng bởi dòng điện từ bão Mặt trời. Theo tiến sĩ Ikamas, toàn bộ lưới điện có nguy cơ bị tê liệt trong một khoảng thời gian không xác định.
Mặc dù hiện đã có những hệ thống bảo vệ vệ tinh và lưới điện, nhưng chúng có thể không đủ để đối phó với một cơn bão Mặt trời lớn.
Không chỉ con người trên Trái đất gặp nguy hiểm. Các phi hành gia bên ngoài từ trường bảo vệ của hành tinh có thể bị phơi nhiễm phóng xạ có hại. Điều này có thể buộc các cơ quan vũ trụ phải điều chỉnh lịch trình đi bộ ngoài không gian và các nhiệm vụ khác.
Ngoài ra, các loài động vật dựa vào từ trường để định hướng có thể bị mất phương hướng trong các cơn bão Mặt trời. Một số loài chim và sinh vật biển được ghi nhận có hành trình di cư bất thường khi hoạt động Mặt trời tăng cao.
Với các mạng kỹ thuật số trải dài khắp các châu lục, sự cố mất điện ở một khu vực có thể ảnh hưởng đến những khu vực khác ngay lập tức.
Tiến sĩ Ikamas cảnh báo nếu không đầu tư nâng cấp lưới điện hiện nay, thế giới có thể đối mặt với tình trạng hỗn loạn trên diện rộng trong tương lai.
Ông cũng nhấn mạnh rằng chỉ một số cá nhân hành động là không đủ để đối phó với những mối đe dọa quy mô lớn này, nhất là khi các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào hệ thống thông tin liên lạc liên kết chặt chẽ.
Ví vậy, ông đề xuất các nhà sản xuất công nghệ, công ty tiện ích và chính phủ cần phối hợp để xây dựng các giao thức có thể áp dụng ngay khi có cảnh báo bão Mặt trời đột ngột.
Một số chuyên gia so sánh việc đầu tư vào các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ như đóng phí bảo hiểm. Chi phí ban đầu có thể lớn nhưng con số này sẽ tăng lên hàng nghìn tỉ nếu khủng hoảng thực sự xảy ra./.
Vào năm 1859, một sự kiện được gọi là Sự kiện Carrington đã khiến mạng lưới điện báo trên khắp các châu lục bị gián đoạn. Khi ấy công nghệ còn rất đơn giản so với ngày nay.
Năm 2022, một cơn bão Mặt trời đã khiến 40 vệ tinh Starlink vừa được phóng cháy rụi trong bầu khí quyển Trái đất, gây tổn thất nghiêm trọng cho nhiệm vụ này.
|
Theo Báo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/bao-mat-troi-ngay-cang-nguy-hiem-hau-qua-kho-luong-20250121082923946.htm