Bên cạnh truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Long An còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, phần nào được thể hiện qua các lễ hội diễn ra trên địa bàn.
Sau những ngày vui tươi đón Tết Cổ truyền của dân tộc, người dân Châu Thành, Long An lại bắt tay tổ chức Lễ hội Làm Chay, mục đích chính của lễ hội là khôi phục các giá trị truyền thống dân gian, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhân dân sống trong cảnh thái bình, an tâm lao động, sản xuất đạt vụ mùa bội thu. Sau đó, đến Lễ hội Vía bà Ngũ Hành (Long Thượng, Cần Giuộc) phản ánh một khía cạnh đời sống tâm linh của cư dân trong vùng và thể hiện ước vọng về cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu. Lễ hội còn lưu giữ được nhiều trò diễn dân gian, góp phần bảo lưu nghệ thuật và các giá trị truyền thống của dân tộc, tạo nên sự cố kết cộng đồng. Lễ hội còn thể hiện lòng tri ân của nhân dân đối với các bậc tiền nhân, những người có công với nước, với dân; là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, phản ánh những nét đẹp văn hóa, mang tính giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, gắn kết tinh thần cộng đồng, tình yêu quê hương, đất nước.
Qua hoạt động chuẩn bị, tổ chức lễ hội trên địa bàn, chúng ta dễ dàng nhận ra Lễ hội Làm Chay, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành là một trong những loại hình văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng cần được bảo lưu, phát huy. Bởi đó chính là phát huy sức mạnh nội sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển KT-XH ở địa phương, nhất là khi mở cửa hội nhập với thế giới. Để lễ hội diễn ra đúng bản sắc văn hóa dân tộc, vùng, miền, lễ hội cần được tăng cường quản lý nhằm bảo đảm nền nếp, giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống, hạn chế hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú, gắn kết cộng đồng, nhân rộng lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, giữ gìn các giá trị văn hóa mà cha ông để lại, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành.
Để lễ hội là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, nơi vui chơi lành mạnh, cần tránh các yếu tố thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác. Trước hết, trước và trong lễ hội phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, tránh tình trạng kẻ gian trà trộn vào móc túi, trộm cắp; phải bảo đảm vệ sinh môi trường, không đốt vàng mã và bói toán để tránh hiện tượng mê tín dị đoan, bảo đảm phòng, chống cháy, nổ. Tăng cường lực lượng chức năng chống ùn tắc giao thông, đua xe, uống rượu, bia gây rối, cờ bạc,...
Lễ hội cũng là mùa tham quan du lịch, chính quyền địa phương cần khai thác tốt các sản phẩm du lịch địa phương, lưu ý điều kiện lưu trú, vệ sinh cho du khách ở xa có nhu cầu nghỉ lại trên địa bàn. Tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm bán đúng giá, không “chặt chém” du khách. Chính quyền cần tăng cường vận động người dân địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, đời sống văn hóa; tổ chức treo cờ, trang trí nhà cửa, vệ sinh nơi công cộng, làm đẹp cảnh quan môi trường, giao tiếp văn minh, lịch sự, không để lại những hình ảnh phản cảm như tranh giành, giẫm đạp nhau tranh lộc,...
Lễ hội Làm Chay, Vía bà Ngũ Hành ngày càng khẳng định là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng ngày càng thu hút khách thập phương trong và ngoài tỉnh. Đây còn là kênh thu hút mạnh mẽ khách du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương. Do vậy, mọi người đều phải có trách nhiệm góp phần làm cho hoạt động lễ hội ngày càng trang trọng, vui tươi, an toàn, giàu bản sắc, để lễ hội năm sau càng rộn ràng, náo nức hơn năm trước./.
Kim Quy