Bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước khói thuốc lá, kể cả trong nhà và nơi công cộng (ảnh minh họa)
*Phóng viên (PV): Thưa BS, tỷ lệ sử dụng TL ở nữ giới thấp hơn nhiều so với nam giới nhưng tại sao nhiều PN, thậm chí là trẻ em cũng trở thành nạn nhân của TL?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Tác động của TL đối với PN ở Việt Nam thường không được chú ý vì đây là nhóm đối tượng rất ít hút TL. Tuy nhiên, với tổng dân số của nước ta thì 1,7% PN Việt Nam hút TL tương đương với hơn 400.000 PN đang sử dụng TL.
Bên cạnh đó, khói TL thụ động còn gây tử vong cho 1,2 triệu người mỗi năm, trong đó có 64% nạn nhân là PN và 15% là trẻ em. Việc phơi nhiễm với khói TL sẽ gây hại sức khỏe, sự phát triển của trẻ em và chất lượng nòi giống. Đây là thực trạng đáng báo động, cần phải có hành động kịp thời.
*PV: BS có thể chia sẻ cụ thể hơn về ảnh hưởng của hút TL trực tiếp và khói TL thụ động đối với PN và trẻ em?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Hút TL và khói TL thụ động ảnh hưởng nghiêm trọng tới PN mang thai và gây hại cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có sự sụt giảm đáng kể trong phản ứng rụng trứng và thụ tinh ở những người hút TL là PN trong lứa tuổi sinh đẻ. Vì vậy, hút TL kể cả chủ động và thụ động có thể gây vô sinh ở PN. Hút TL trong khi mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và sinh non, sinh con yếu ớt, nhẹ cân, làm tăng gấp đôi nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh và dị tật bẩm sinh ở trẻ.
PN hút TL ngoài nguy cơ mắc các bệnh như nam giới hút TL thì còn mắc các bệnh ung thư liên quan đến chức năng sinh sản như ung thư vú và cổ tử cung. PN tiếp xúc với khói TL thụ động trong khi mang thai cũng có thể làm tăng 23% nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh và tăng 13% nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ.
Trẻ em sống với người hút TL có nhiều nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, hen suyễn, bệnh tai giữa và tử vong khi dưới 5 tuổi. Việc thường xuyên tiếp xúc với khói TL cũng khiến trẻ em thường gặp phải những vấn đề liên quan đến hành vi và có khả năng tiếp thu kiến thức kém hơn ở trường. Ngoài ra, gần 70% trẻ em có cha mẹ hoặc người chăm sóc hút TL sẽ có khả năng thử hút TL ở tuổi 15.
*PV: Thưa BS, dường như tình trạng hút TL cũng như các hình thức sử dụng TL của PN và trẻ em đang có xu hướng ngày càng gia tăng?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Các tập đoàn TL đa quốc gia đang nhắm vào trẻ em gái và PN. Nhận thấy rằng trẻ em gái và PN ở Việt Nam là những “khách hàng” tiềm năng chưa được khai thác, ngành công nghiệp TL đã không ngừng nhắm đến bằng các hoạt động tiếp thị và quảng cáo gắn việc hút TL với thời trang, sự quyến rũ, độc lập, khẳng định bản thân và quyền lực.
Trong những năm gần đây, chiến thuật trên đã được sử dụng ở Việt Nam để tiếp thị các sản phẩm TL điện tử và TL nung nóng, chủ yếu qua kênh thương mại điện tử trực tuyến và mạng xã hội.
Điều này gây ra rất nhiều hậu quả. Khoảng 1,5% học sinh nữ từ 13-17 tuổi bắt đầu sử dụng TL điện tử. Tỷ lệ này thậm chí còn cao khoảng hơn gấp đôi (3,6%) ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Mặc dù hiện nay, TL điện tử chưa được phép lưu hành ở Việt Nam nhưng trên thực tế đang trở nên phổ biến hơn, nhất là được ưa thích trong giới trẻ.
*PV: Trẻ em gái và PN còn đối mặt với rủi ro nào khác do TL gây nên?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Trẻ em gái và PN còn đối mặt với rủi ro từ việc trồng cây TL mặc dù cây TL chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngành Nông nghiệp ở Việt Nam. Là lao động chính của ngành TL, PN và trẻ em đặc biệt dễ bị ngộ độc nicotine khi xử lý lá TL xanh; đồng thời, tiếp xúc với hóa chất độc hại và khói TL trong quá trình sấy lá. PN mang thai và thai nhi phải đối mặt với rủi ro lớn hơn, gồm cả nguy cơ sảy thai.
*PV: Vậy cần làm gì để bảo vệ PN và trẻ em trước tác hại của TL, thưa BS?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Có nhiều giải pháp đang được thực hiện. Ưu tiên chính là tăng cường thực thi các quy định của pháp luật về môi trường không khói TL - điều rất quan trọng để bảo vệ PN và cộng đồng khỏi khói TL thụ động.
Ngoài ra, phải có biện pháp phòng ngừa ngành công nghiệp TL đang nhắm vào PN để thay thế lượng nam giới hút TL có xu hướng giảm dần. Để ngăn chặn điều này, biện pháp quan trọng nhất là phải tăng thuế và giá TL để khuyến khích những người hút TL hiện tại bỏ TL và giảm sức hấp dẫn của việc hút TL đối với những người khác, bao gồm cả PN và trẻ em gái.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, vận động và giám sát việc phòng, chống tác hại của TL để giúp giới trẻ, đặc biệt là trẻ em gái hạn chế tiếp xúc và bị cám dỗ bởi TL điện tử hay các sản phẩm tương tự khác.
Nếu có thể ngăn chặn một người nào đó bắt đầu sử dụng TL khi họ còn trẻ thì điều đó giống như một loại vắc-xin bảo vệ họ suốt đời khỏi việc hút TL bởi vì mọi người ít có khả năng bắt đầu sử dụng TL khi họ trưởng thành.
*PV: Xin cảm ơn BS!./.
Các hành vi bị xử phạt trong phòng, chống tác hại của thuốc lá
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2020. Từ Điều 25 đến Điều 29 của Nghị định được dành riêng cho nội dung phòng, chống tác hại của TL. Trong đó:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với việc không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút TL” tại địa điểm cấm hút TL theo quy định của pháp luật.
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút TL tại địa điểm có quy định cấm.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán TL cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ TL.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi bán, cung cấp TL cho người chưa đủ 18 tuổi.
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng TL.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vận động, ép buộc người khác sử dụng TL hoặc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua TL.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hình ảnh TL trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu TL là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của TL và khói TL đối với sức khỏe con người.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiếp thị TL trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi
hình thức.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đưa nội dung phòng, chống tác hại của TL vào kế hoạch hoạt động hàng năm, không đưa quy định cấm hút TL tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.
Mỗi người dân hãy sử dụng quyền của mình khi thấy có người hút TL tại nơi bị cấm. Bên cạnh đó, những cơ quan, người có trách nhiệm phải tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của TL để bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường sống,...
|
Thanh Bình